Tình hình quản lý đất bất cập đang dẫn đến tình trạng tuỳ tiện trong áp dụng và làm chậm lại tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Đó là báo cáo mới đây của sở Tài nguyên và môi trường thành phố gửi đoàn giám sát uỷ ban thường vụ quốc hội.
Đơn vị trung ương: bất hợp tác
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức thực hiện sắp xếp, rà soát tổng thể mặt bằng nhà - đất trước khi giao để cổ phần hoá. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị của trung ương đóng trên địa bàn thành phố đều bất hợp tác. Thực tế, việc thực hiện cổ phần hoá của các đơn vị này không chặt chẽ, chủ yếu là “gán” giá trị nhà - đất trên sổ sách để xác định giá trị doanh nghiệp. Nhiều vụ không nêu được địa chỉ nhà đất, hoặc chỉ có đất mà khai thêm nhà. Có trường hợp cổ phần hoá luôn phần nhà - đất do thành phố đang quản lý.
Trong đợt tổng kiểm tra sơ bộ gần 2.000 khu đất trong năm vừa qua trên địa bàn thành phố (chiếm 1/10 số khu đất), các cơ quan chức năng chỉ biết mò mẫm một mình vì rất nhiều doanh nghiệp trung ương lắc đầu “3 không”: không ký tiếp hợp đồng thuê khi hết hạn, không thực hiện kê khai theo chủ trương và không hợp tác trong kiểm tra đất. Vì vậy, cho đến nay, có bao nhiêu doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn thành phố đã cổ phần hoá, ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố không biết. Có đi hỏi để quản lý nhà - đất thì không ai cho.
Lãng phí hàng triệu, thu hồi chục ngàn
Qua đợt tổng kiểm tra gần 2.000 khu đất năm ngoái do sở Tài nguyên môi trường chủ trì với tổng diện tích hơn 1,1 triệu mét vuông, đã có ít nhất 462 khu đất với diện tích gần 1,1 triệu mét vuông hiện do các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng sai mục đích, cho thuê lại trái phép và bỏ hoang. Doanh nghiệp trung ương chiếm phần không nhỏ trong số này. Tuy nhiên, sở cũng chỉ kiến nghị thành phố thu hồi chỉ khoảng một nửa số đất sử dụng trái mục đích. Cho đến nay, tỷ lệ thu hồi được cũng mới chỉ là con số chục ngàn trên hàng triệu mét vuông đất công lãng phí.
Lãng phí vậy nhưng thành phố không thể quyết định hoặc xử lý gì được, vì pháp luật đất đai chưa có các quy định cụ thể là sẽ xử lý ra sao khi các đơn vị vi phạm chây ỳ. Thu hồi đất có lẽ còn khó hơn lên trời vì hễ đụng đến ai, lập tức sẽ có bộ này, ngành nọ ý kiến, yêu cầu can thiệp. Nhỏ hơn là việc truy thu tiền thuê từ các đơn vị cho thuê lại đất trái phép cũng chẳng thể làm vì không luật nào quy định điều này. Còn với các biện pháp hành chính thông thường (như kiến nghị, yêu cầu…) không mang lại hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá xong.
Sở Tài nguyên môi trường có quản lý từng thửa đất?
Hiện trên địa bàn thành phố, chỉ tính riêng đất do các tổ chức đang sử dụng có hơn 20.000 khu. Mỗi khi phát hiện có một khu đất sử dụng lãng phí, sai mục đích, trách nhiệm quản lý đều dồn vào sở. Điều này, theo một lãnh đạo sở là bất hợp lý vì sở không thể quản lý từng thửa đất (đây là công việc của cấp xã và huyện). Sở dĩ có điều trớ trêu này vì trách nhiệm pháp lý hành chính trong việc quản lý đất giữa các cấp (phường, quận, thành phố và sở) nhập nhèm, chung chung.