Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã thành công trong phát huy nội lực: vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công và hiến đất làm công trình công cộng. Xã Đông La, huyện Hoài Đức là một điển hình. Gần 200 hộ dân trong xã đã hiến hàng nghìn mét đất làm đường giao thông, xây dựng NTM.
Có dịp về Đông La bây giờ, thay vì đi trên những con đường đất ngoằn ngoèo, nhỏ bé trước đây là những con đường bê tông rộng rãi, khang trang. Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Văn Mừng nhớ lại, bắt đầu từ năm 2009-2010, khi xã triển khai 3 dự án mở rộng đường giao thông liên xã: Đông La - Dương Nội; Đông La - An Khánh và đường liên thôn: Đông Lao - Đồng Nhân. Hiện trạng đường cũ đều nhỏ, hẹp trong khi đó, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước lại không nhiều. Để có đường to, rộng, phải có sự tự nguyện đóng góp hiến đất, tháo dỡ các công trình... của người dân hai bên đường.
Thường trực Đảng ủy xã đã bàn bạc, quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chi bộ tập trung lãnh đạo trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể đã vào cuộc tuyên truyền, vận động để các đoàn viên, hội viên và người dân nhận thức rõ về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông từ đó tự nguyện tham gia đóng góp. Với cách làm đó, 183 hộ dân trong xã đã tham gia hiến hơn 1.000m2 đất, trong đó có 15 hộ đã hiến 420m đất thổ cư để làm đường giao thông. Ông Nguyễn Đăng Sơn, người dân thôn Đồng Nhân cho biết, là xã ven đô, giáp danh với quận Hà Đông, đất đai ở Đông La rất có giá trị, song ông và nhiều hộ dân khác sẵn sàng hiến đất bởi cùng chung suy nghĩ giản dị: Có đường tốt, đời sống của người dân nhất định sẽ đổi thay. Điển hình như cụ Phùng Đình Lộc, thôn Đông Lao mặc dù đã 78 tuổi, song hằng ngày cụ tự nguyện trồng và chăm sóc những cây hoa nhỏ ven đường làng, tạo cảnh đẹp cho làng quê. Hay anh Trịnh Đắc Hải, đã thành lập tổ vệ sinh môi trường, hằng tuần đi thu gom rác cho 2/3 địa bàn cả xã. Cũng trong năm 2011, các hộ dân trong xã đã đóng góp được 200 triệu đồng để chỉnh trang đường làng, xây cổng các xóm…
Ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã Đông La cho hay, theo kế hoạch của UBND huyện Hoài Đức, xã Đông La sẽ hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015. Tuy nhiên, với những lợi thế như hiện nay, xã phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM sớm hơn kế hoạch một năm. Hiện Đông La đang tiếp tục vận động người dân hiến khoảng 3.000m2 đất để làm các tuyến đường liên xã khác như: Đông La - Đại Thành (Quốc Oai), Đông La - Yên Nghĩa (Hà Đông) và Đông La - La Phù. Ngay trong những ngày cuối năm 2011 này, địa phương gấp rút hoàn thiện thủ tục để đầu năm 2012 triển khai dự án đường giao thông vùng bãi với mặt cắt 10m, dài 2,3km từ Đồng Nhân đến thôn Đông Lao giúp người dân đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Nhờ sự đồng thuận, đến nay hạ tầng nông thôn của Đông La đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dân sinh với 11/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt gồm: quy hoạch sử dụng đất, nhà ở nông thôn, tổ chức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo… Là xã thuần nông đi lên từ nông nghiệp, song Đông La đã có kinh tế khá vững, hộ nghèo chỉ chiếm 2% dân số. Cả xã có hơn 2.000 hộ dân với diện tích đất nông nghiệp 280ha, trong đó đất lúa chỉ có 39ha, còn lại là đất bãi ven Đáy. Nếu như 10 năm về trước, đất bãi của xã chỉ trồng khoai, dong riềng và mía thì giờ đây đã chuyển đổi sang sản xuất chuyên canh cây, hoa hàng hóa chất lượng cao cho thu hàng trăm triệu đồng đồng/ha canh tác như mô hình trồng hoa phong lan. Hiện cả xã Đông La có 55 hộ trồng phong lan vườn với diện tích từ 1.000m2 đến 5.000m2. Gần đây, phong lan của Đông La đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cho thu nhập bình quân hơn 500 triệu đồng/hộ/năm. Trên khu đất bãi cũng đã hình thành 70ha cây ăn quả đặc sản như: nhãn muộn, bưởi đường La Tinh, cam Canh, bưởi Diễn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới