Top

Phát triển nhà ở công nhân: Cần nguồn lực xã hội hóa tham gia

Cập nhật 08/03/2018 13:53

Với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN), nhu cầu về nhà ở cho công nhân ngày càng tăng cao. Nhưng trên thực tế, số lượng dự án nhà ở xã hội cho công nhân chỉ mới đáp ứng được 28% nhu cầu.

Khu nhà ở công nhân KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, tổng số công nhân KCN đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân làm việc tại các KCN trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Còn theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Bằng nhiều nguồn khác nhau, cả nước mới chỉ có thể giải quyết được 8 – 10% nhu cầu ở trong số này, 1,5 triệu người còn lại hiện đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, quy mô xây dựng gần 29 nghìn căn hộ, mới đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân KCN là rất lớn. Việc đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân đang là bài toán mà các cấp, ngành phải tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.

Một số chuyên gia cho rằng, để phát triển mạnh loại hình nhà ở cho công nhân, thì phương án tối ưu nhất chính là huy động nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay, cũng đã có một số doanh nghiệp tiên phong xây dựng và hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, giúp công nhân an tâm, gắn bó với Cty.

Đơn cử, hàng nghìn công nhân, nhân viên của Cty Sam Sung Bắc Ninh đang được Cty này hỗ trợ nhà ở với giá thuê 50.000 đồng/tháng do TCty Viglacera – CTCP xây dựng tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh.

Mới đây, TCty Viglacera cũng đã động thổ khu nhà ở công nhân tại KCN Phú Hà, tỉnh Phú Thọ với quy mô 630 căn hộ có diện tích từ 26m2 đến 70m2, khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 2.500 công nhân lao động.

Tương tự, Cty Sam Sung Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng khoảng 2.470 căn hộ tại KCN Yên Bình 1, tỉnh Thái Nguyên để giải quyết chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân. TCty Vinaconex cũng đã hoàn thành 1.100 căn hộ đáp ứng cho khoảng 5.500 công nhân tại KCN Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội…

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện đang triển khai hai dự án nhà ở cho công nhân, một dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với diện tích 4,2 ha và một dự án xã hội hóa do tư nhân tự bỏ tiền đầu tư, được triển khai trên khu đất rộng 2.000m2.

Đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, hiện tại, KCN Đồng Văn (Hà Nam) có khoảng gần 35.000 công nhân, trong đó lao động địa phương chiếm đến gần 75%.

Nhu cầu về nhà trọ, theo khảo sát khoảng 4.000 công nhân. Nhưng trong thời gian tới, khi nhu cầu số lao động tăng lên và từ nơi khác đến, thì vấn đề nhà ở cho công nhân là rất cần thiết.

Ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Dự kiến quy mô KCN Phú Hà sau khi lấp đầy sẽ có khoảng 3 vạn lao động. Tỉnh đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa cũng như tạo điều kiện về quỹ đất sạch, thủ tục đầu tư… trong xây nhà ở cho công nhân, nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình phát triển nhà ở của địa phương.

Vấn đề thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các KCN là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc, cần phải có chính sách hỗ trợ mới nhằm để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia. Đây cũng là mục tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN giai đoạn 2016 – 2020 mà Chính phủ đã đề ra…


DiaOcOnline.vn - Theo Báo xây dựng