Top

Phần chìm của bất động sản

Cập nhật 23/10/2014 10:20

Nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường BĐS nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn.

Khoảng 5.700 căn hộ được bán trong 9 tháng năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng tiền vào BĐS tỏ ra khá chắc chắn khi đến từ những đối tượng có nhu cầu thật, mua để ở, với hầu hết các căn hộ giao dịch thành công có diện tích dưới 70 m2/căn. Diễn biến đó cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường. Báo cáo của nhiều công ty nghiên cứu và tư vấn BĐS tại Việt Nam cho thấy, giao dịch của thị trường BĐS sôi động hơn và giá căn hộ trong quý III/2014 đã tăng từ trung bình 1 - 4% so với quý trước và 1,2 - 5,4% so với cùng kỳ năm trước ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi tảng băng”.

Ảnh minh họa

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 1.403 dự án phát triển nhà ở. Trong đó, dự án hoàn thành chỉ chiếm 3,36%. Có đến gần 49% số dự án đang gặp khó khăn trong nhiều khâu như vốn, đền bù giải tỏa, quỹ đất… Số lượng dự án đang triển khai là 201 dự án, chiếm 15%... Đó mới là phần chìm tảng băng chưa được lộ diện. Nguồn cung chưa “phát lộ” đó là quá lớn, cho thấy sự phục hồi vừa qua chưa thấm vào đâu so với dung lượng có thể đạt của thị trường. Hiện tại, khối tài sản ngưng đọng đó tạo thuận lợi cho giá khó giảm sâu và nhúc nhắc tăng, nhưng cũng sẵn sàng “đè bẹp” cầu nếu điều kiện cho phép.

Bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc CBRE Việt Nam nhìn nhận, hiện nay thị trường BĐS Việt Nam có những chuyển biến theo hướng tích cực, chứ không phải đang trong quá trình phục hồi như nhiều người lầm tưởng. Theo đó, trên thị trường hiện nay đang có những giao dịch thật diễn ra, nguồn cung hướng đến nhu cầu thực của thị trường nhiều hơn, giá cả nhiều nơi đã hạ nhiệt, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trở nên mạnh mẽ… “Song bên cạnh đó, không thể phủ nhận trong ngắn hạn BĐS vẫn khó phục hồi vì vẫn còn nhiều yếu tố, vấn đề tồn tại kìm hãm sự phát triển của thị trường”, bà Dung cho hay.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long thì tỏ ra lo lắng: “Thị trường đến nay đã thật sự chạm đáy, nhưng giá nhà đất sẽ không thể nào tăng trong một thời gian dài. Mặc dù rất kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường, nhưng thực tế mọi chuyển biến đều diễn ra rất chậm”.

Để BĐS có sự phục hồi như kỳ vọng thì phải có sự nỗ lực của nhiều phía như các nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý. Cụ thể như, phải có những giải pháp tổng thể, toàn diện từ công cụ tài chính, cơ chế của Nhà nước và giải pháp đến từ nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng. Cũng như, chính sách chăm sóc khách hàng, tuân thủ quy định của Nhà nước cần được nhà đầu tư chú trọng để đưa ra chiến lược phù hợp nhằm kích cầu thị trường….

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng bày tỏ quan điểm, những quy định luật pháp có liên quan đến thị trường BĐS gần đây đã được sửa đổi và ban hành kỳ vọng sẽ gỡ được những nút thắt của thị trường này. Nhưng có lẽ vẫn cần phải có thời gian để phát huy hiệu quả, hay nói cách khác vẫn có độ trễ của chính sách. Nên trước mắt, thị trường và các DN BĐS vẫn đang phải tự xoay xở tìm hướng tháo gỡ.

TS. Vũ Đình Ánh phân tích thêm, hiện tiền trong ngân hàng và các gói tín dụng dành riêng cho thị trường BĐS không hề thiếu, có nhiều gói tín dụng chính sách và các ngân hàng cũng có nhiều gói ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà khác. Do vậy, thời điểm này người mua nhà sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trên thị trường. Nhưng, trên thị trường hiện vẫn thiếu niềm tin ở cả chính chủ đầu tư và khách hàng. Và đó là rào cản lớn để kết nối cung và cầu BĐS hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng