Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Không ít chủ cửa hàng kinh doanh cà phê, ăn uống với chi phí mặt bằng lớn như "ngồi trên đống lửa".
Nhiều doanh nghiệp lớn từng đồng loạt giảm giá cho thuê mặt bằng kinh doanh nhằm chia sẻ khó khăn với đối tác trong các đợt dịch Covid-19 trước.
Chủ nhà hào phóng, miễn hẳn một tháng tiền mặt bằng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sự giãn cách xã hội, nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh vô cùng ảm đạm.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cà phê, ăn uống với chi phí mặt bằng lớn như "ngồi trên đống lửa". Dù phải ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng rất ít bởi chỉ cho mang về, họ chia sẻ vẫn phải duy trì rất nhiều chi phí, trong đó phí thuê mặt bằng chiếm rất lớn.
Chia sẻ khó khăn cho người thuê mặt bằng, không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm tiền thuê. Thậm chí có chủ nhà còn hào phóng miễn hẳn tiền thuê trong vòng một tháng.
Anh N.K. - một MC nổi tiếng kiêm chủ kinh doanh chuỗi 4 nhà hàng chia sẻ trên trang cá nhân: "Thật sự là mình đang rất lo lắng về tình hình kinh doanh của 4 nhà hàng ở Sài Gòn trong lúc dịch bệnh đang tiếp tục bùng phát tại thành phố lớn này. Các nhà hàng đã đóng cửa từ 27/5, hôm nay lại nhận được tin chính thức từ 0h ngày 31/5, TPHCM sẽ áp dụng lệnh giãn cách xã hội 15 ngày".
Tuy nhiên, trong lúc kinh doanh khó khăn, anh N. K. cảm thấy rất ấm lòng khi được chủ nhà tại một điểm kinh doanh ở đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM hỗ trợ 100% tiền thuê nhà trong tháng 6.
"Cô chủ nhà nói, sau giãn cách 15 ngày tháng 6 này, nhà hàng vẫn còn khó khăn, mở ra đã làm gì có khách, nên cô sẽ hỗ trợ cho cả tháng để các cháu yên tâm! Cô cũng là người kinh doanh nên hiểu!", anh N.K. chia sẻ.
Trong khi đó, mặt bằng nhà hàng nêu trên có diện tích rộng lớn, số tiền hỗ trợ không hề nhỏ. Anh N.K. mong rằng các chủ nhà khác cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lúc khó khăn vì tác động của lần dịch này rất lớn.
Tương tự, một chủ quán cà phê tại khu làng Việt Kiều châu Âu (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết đã đàm phán và được chủ nhà hỗ trợ chi phí mặt bằng 50% trong vòng 1 tháng, tức là vào khoảng 20 triệu đồng. "Hiện cửa hàng tôi chỉ còn bán cho khách mang về, số lượng khách rất ít nhưng vẫn phải cố duy trì để đỡ mất khách và cho nhân viên có việc để làm", vị chủ quán chia sẻ.
Oằn mình vì gánh nặng mặt bằng, hai bên cần tìm tiếng nói chung
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may mắn khi được chia sẻ trong khó khăn.
Buộc phải đóng cửa từ rất sớm, chị Hảo - hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Hà Đông, Hà Nội - cho biết đang "oằn mình" với số tiền thuê mặt bằng lên tới gần 500 triệu đồng/6 tháng.
"Trường rộng, mặt bằng lớn, các con được nghỉ học từ đầu tháng 5 đến nay chưa biết bao giờ mở cửa lại. Trong khi đó các chi phí cố định như mặt bằng vẫn phải trả đủ. Không biết chúng tôi có thể duy trì được đến bao giờ", chị Hảo tâm sự.
Theo khảo sát, với đợt dịch mới bùng phát này, dù khó khăn là rất lớn nhưng rất nhiều người kinh doanh cho biết vẫn chưa đàm phán được tiền hỗ trợ cho thuê mặt bằng. Trong khi đó, từ phía chủ nhà, nhiều người cũng than thở khó khăn bởi dịch bệnh cũng đang tác động công việc, kinh doanh của họ rất nhiều.
Covid-19 đeo bám dai dẳng khiến cả chủ thuê và khách thuê đều khó khăn.
Tuy nhiên dù thế nào thì việc hỗ trợ, chia sẻ chi phí mặt bằng trong thời điểm dịch bệnh khó khăn là một trong các giải pháp được đưa ra để giảm thiệt hại cho cả hai bên. Ở một số trường hợp, đây cũng là cách "cứu vãn" cho chính chủ nhà. Những đợt dịch liên tiếp suốt gần một năm rưỡi qua khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, công ty lữ hành, kinh doanh đồ ăn uống hay làm đẹp... đóng cửa im lìm. Nhiều của hàng treo biển sang nhượng vì không chịu được chi phí thuê nhà, nhân viên.
Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam - cho biết: "Trong thời gian vừa qua, những ảnh hưởng của Covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh".
Các doanh nghiệp, người thuê cho biết không ít chủ nhà, đơn vị cho thuê mặt bằng chia sẻ bằng cách miễn, giảm phí thuê nhưng vẫn còn nhiều chủ nhà không giảm, thậm chí khi được trả lại mặt bằng đã đưa ra nhiều điều kiện khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không thuê và cho thuê không tìm được tiếng nói chung thì hậu quả nhiều khi sẽ là mặt bằng bị bỏ trống trong thời gian dài, thực sự lãng phí.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí