Ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một số thông tin thống kê còn chưa chính xác. Đặc biệt, một khi thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng.
Thông tin thống kê chưa chính xác
Theo Bộ trưởng Vinh, một số thông tin thống kê chưa bảo đảm tính chính xác kịp thời do chưa tổ chức điều tra, đặc biệt công tác phân tích và dự báo thống kê của Bộ ngành còn yếu chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ…
“Con số thống kê là con số biết nói. Nếu chúng ta biết thống kê đúng các chỉ tiêu phản ánh được bản chất cốt lõi vấn đề, có một hệ thống chuỗi số liệu để so sánh và đánh giá tìm ra được quy luật, chúng ta có thể dự báo được. Nếu những con số không chính xác thì dự báo sẽ sai. Đặc biệt, một khi thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2013, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về các con số thống kê.
"Trong khi doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng loạt mà con số tạo việc làm mới vẫn thống kê lên tới hơn 1,5 triệu người trong năm nay thì không thể hình dung được" - Đại biểu Trần Du Lịch đặt nghi vấn.
Hay đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Đã từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP Quốc gia.
Theo đại biểu Hiến, mấy năm qua, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của các báo cáo là rất thấp. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%.
“Con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố? Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa” – đại biểu Hiến đưa ra suy luận của mình.
Một băn khoăn nữa được đại biểu đưa ra là: “Cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn?
Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?”...
Thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng.
|