Trong 3 năm nay, tỉnh Long An đã thu hồi gần 60 dự án với tổng diện tích hơn 3.000ha, phần nhiều là đất lúa. Nhiều diện tích đã được giao lại cho người trồng lúa, đem đến những niềm vui lớn...
Cách đây mấy năm, Long An nổi tiếng với “18 dự án sân golf” chiếm hàng ngàn ha đất lúa. Khi dư luận lên tiếng, chính quyền địa phương đã chấp nhận sửa sai, mạnh dạn loại bỏ... 17 sân golf, chỉ chừa lại 1. Không dừng lại đó, Long An còn là tỉnh đi đầu trong việc rà soát lại từng dự án và thẳng tay loại bỏ những dự án kém hiệu quả.
Nông dân xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An canh tác trên thửa ruộng vừa thoát dự án sân golf. |
Nhà nông vui vì được... làm ruộng
Anh Trần Văn Vũ - nông dân ở ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa vừa cất xong căn nhà 2 tầng khang trang giữa bốn bề ruộng lúa. Anh Vũ kể, mấy năm trước đây gia đình anh lúc nào cũng sống trong phập phồng, vì dự án sân golf “treo” nhiều năm và không biết lúc nào đất sẽ bị thu hồi nên cả xóm chủ yếu... nằm chơi, không dám đầu tư sản xuất.
Người dân không thể sửa sang hoặc cất lại nhà, con cái lớn lên cũng không “ra riêng” được vì tài sản đã kê biên, nếu tự ý xây cất sẽ không được bồi thường. Vì vậy, khi dự án sân golf bị xóa, bà con đua nhau cất nhà mới hoặc sửa chữa lại nhà. Anh Vũ cho biết, cả xóm hiện đang “khan hiếm thợ hồ”, bởi có hơn 30 căn nhà đang được sửa chữa và xây mới.
Bà Tiêu Thị Thanh ở ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa cho biết, thửa đất hơn 6.000m2 của bà bị quy hoạch sân golf làm cả nhà mất ăn mất ngủ vì đây là đất lúa 2 - 3 vụ/năm. Gần 600 hộ dân trong vùng dự án cũng đứng ngồi không yên khi nhà đầu tư cứ ngày ngày lượn xe hơi khắp xóm, đo đo vẽ vẽ, đánh tiếng sẽ thu hồi đất bất kỳ lúc nào.
Dù chính quyền địa phương bảo, dân cứ yên tâm sản xuất, khi nào nhà nước thu hồi thì mới giao đất, nhưng hiếm có người dân nào dám đầu tư trên mảnh đất mà cả địa phương lẫn người dân không biết sẽ bị thu hồi lúc nào. “Làm ruộng mà cứ phập phồng, không dám đầu tư nên năm nào cũng thất mùa. Đến khi nhà nước xóa quy hoạch, ai nấy đều yên tâm nên vụ hè thu vừa rồi nhà nào cũng trúng lúa bể bồ” - bà Thanh nói.
Gần nhà bà Thanh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Xích dang háo hức với những dự án vườn - ao - chuồng kết hợp với ruộng lúa mỗi năm 2 vụ. Ông Xích lý giải: “Làm 2 vụ, một vụ chăn nuôi để cho đất nghỉ”. Từ ngày xóa dự án, ông Xích bỏ hàng chục triệu xây chuồng nuôi 4 con heo nái. Ông còn thả cá dưới ao, nuôi bầy vịt và một chuồng trăn.
Cũng tại xã Mỹ Phú, khi Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng bị xóa bỏ, nông dân đã yên tâm sản xuất trở lại. Cánh đồng màu mỡ, từng là nơi nhân giống lúa quốc gia và lão nông Dương Văn Hữu đạt danh hiệu Anh hùng lao động cũng tại đây, từng suýt biến thành nghĩa trang. Sự đấu tranh không mệt mỏi của người dân đã làm chính quyền tỉnh Long An nhìn lại, thu hồi ngay chủ trương không hợp lòng dân này. Hiện người dân đã yên tâm sản xuất, năng suất lúa đạt 8 - 9 tấn/ha.
Sẽ có thêm nhiều niềm vui
Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh Long An đã thu hồi 21 dự án với diện tích 1.450ha và hoàn trả cho người dân hơn 500ha đất trồng lúa. Trước đó, năm 2010 tỉnh Long An đã thu hồi 13 dự án với diện tích 534ha; năm 2011 thu hồi 12 dự án với diện tích 565ha.
Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh Long An đã thu hồi 21 dự án với diện tích 1.450ha và hoàn trả cho người dân hơn 500ha đất trồng lúa.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mai Văn Chính - Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, việc thu hồi đất đối với những dự án kém hiệu quả sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, bởi bước đầu cho thấy việc làm này tạo sự đồng thuận cao trong đông đảo người dân.
Một số dự án được thu hồi để trồng lúa đạt hiệu quả như cụm công nghiệp 168ha tại xã Bình Lãng và Lạc Tấn (huyện Tân Trụ), sân golf 280ha tại xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), nhà máy sản xuất ván ép nhân tạo rộng 40ha tại xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa). Các dự án này đã công bố ra dân, kiểm kê bồi thường nhưng nhà đầu tư chậm triển khai hoặc do dân phản ứng nên tỉnh đã hủy bỏ... “Dự án nào chậm triển khai, hoặc kém hiệu quả, treo nhiều năm, dứt khoát bị loại bỏ!” - ông Chính nói.
Ông Mai Văn Nhiều - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa thông tin, ngoài một số dự án đã thu hồi, huyện đang trình UBND tỉnh Long An thu hồi tiếp một số dự án kém hiệu quả. “Đối với nhà đầu tư, chúng tôi vẫn cho họ thời gian bằng cách nhắc nhở lần 1, lần 2, lần 3... Nếu họ vẫn không triển khai được, dứt khoát phải thu hồi chứ không để dự án treo” - ông Nhiều nói.
Cũng theo ông Nhiều, sau khi thu hồi dự án, chính quyền sẽ cho tổ chức họp dân để lấy ý kiến xem dân muốn làm nông hay công nghiệp. “Chúng tôi thực hiện nguyên tắc dân chủ, nếu đất xấu và nông dân không muốn canh tác thì mới cho làm công nghiệp, còn dân muốn làm ruộng, muốn chăn nuôi thì phải thuận theo ý dân” - ông Nhiều khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt