Dự án trung tâm chợ rau quả Long An đã thu hồi hơn 10ha đất lúa năng suất cao, bị "treo" mấy năm qua. |
Vì vậy, việc thay đổi chính sách đền bù đất trồng lúa nước theo hướng tăng cao ở Long An, (thậm chí cao hơn đất thổ cư), chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tình hình đầu tư, triển khai các dự án ở đây.
Long An là tỉnh hầu hết diện tích đất tự nhiên là đất trồng lúa nước. Thời gian qua, phần lớn các dự án được triển khai ở đây đều nằm trên vùng đất trồng lúa nước.
Ông Nguyễn Hoàng Đông - GĐ Cty TNHH Đại Dương, chuyên về xây dựng - kinh doanh khu dân cư, phường 6, thị xã Tân An - cho rằng, nếu thực hiện đền bù đất trồng lúa nước theo hướng tăng cao đột biến, trước mắt các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ giá đền bù cho nông dân, mà cả thuế chuyển mục đích sử dụng đất cũng sẽ tăng cao tương ứng, chi phí thực hiện dự án sẽ tăng rất nhiều.
Ông Đông cũng cho rằng, khi ấy, chỉ những dự án có tính khả thi cao, những nhà đầu tư tâm huyết mới mạnh dạn thực hiện dự án, còn những dự án "đón gió..., "chờ thời" sẽ bị loại bỏ.
Còn ông Huỳnh Hữu Phước - một nhà tư vấn các dự án đầu tư ở phường 2, thị xã Tân An - thì cho rằng, đây là chủ trương cần thiết, ngoài yếu tố bảo đảm an ninh lương thực, còn có ý nghĩa trả sự công bằng cho người nông dân.
Theo ông Phước, hiện chi phí đền bù cho nông dân (khoảng 70 ngàn đồng/m2 đất trồng lúa nước) chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng chi phí thức hiện các dự án đầu tư, vì vậy mới có tình trạng nhiều nhà đầu tư tìm cách bao chiếm diện tích lớn đất lúa, trong khi định hướng đầu tư chưa thật rõ.
Ông Trương Văn Cung - một nông dân ở ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi - cho biết, thời gian qua ông cứ nơm nớp âu lo cho số phận của 2ha ruộng lúa (loại tốt, trồng được 3 vụ) của mình, khi mà các dự án cứ "nuốt dần" ruộng lúa xung quanh. Theo ông, chỉ có những ai không thiết tha với ruộng lúa mới chấp nhận từ bỏ đất đai ông bà để lại, với cái giá quá rẻ để đi nơi khác.
Nông dân nói gì?
Anh Ngô Văn Hào (quận Hà Đông - Hà Nội): Hiện nhà tôi còn mấy sào ruộng, nhà lại đông con nên việc giữ đất để trồng lúa là điều đương nhiên. Hiện vẫn nhờ vào tiền bán thóc để lo cho đứa cả học đại học. Chỉ lo là đất ruộng nhà mình bị đưa vào dự án thôi. Tiền đền bù bao nhiêu cũng tiêu hết, còn đất thì có thể giữ được cho đời con, đời cháu mình...
Chị Hoàng Thị Thuỳ (xã Kim An - huyện Thanh Oai - Hà Nội): Nếu được như vậy thì chúng tôi mừng quá. Chúng tôi chưa bao giờ muốn mất ruộng, mất đất, vì làm nông nghiệp chỉ biết trông chờ vào mảnh đất này. Tiền đền bù thì thấp, chỉ đủ mua cái xe máy, hoặc sửa sang lại nhà cửa đôi chút. Còn mất đất xem như mất tất cả. Bà con nông dân chúng tôi chỉ có nguyện vọng muốn giữ đất lúa để làm ăn sản xuất lâu dài.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động