Những trò chiêu dụ, lừa đảo của một số người môi giới bất động sản đã làm xấu thị trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội
Sự bùng nổ đội ngũ môi giới đã góp phần giúp thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua sôi động. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát, quản lý nên cũng đem đến không ít hệ lụy cho thị trường. Người dân nhìn những người môi giới nhà đất bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.
Bùng nổ thiếu kiểm soát
Khoảng 2-3 năm trước, khi thị trường BĐS hồi phục, nhiều dự án được hồi sinh và triển khai mới, kéo theo sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp môi giới nhà đất. Họ đua nhau tuyển nhân sự, đào tạo qua loa rồi cho ra thị trường kiếm khách. Họ được gắn những cái tên rất kêu như chuyên viên môi giới nhà đất, nhân viên kinh doanh BĐS… trong khi lại không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào như pháp luật quy định.
Vì áp lực doanh số, được công ty "bật đèn xanh", các nhân viên môi giới này giở đủ trò để chào mời, dụ dỗ khách xuống tiền mua đất, mua căn hộ, biệt thự… như đồng loạt tràn ra đường phát tờ rơi, lôi kéo người đi đường gây mất trật tự, an toàn giao thông; rao bán nhà đất TP HCM nhưng chở khách đi tận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để xem dự án; mạo danh những tập đoàn lớn, ngân hàng; liên tục nhắn tin, gọi điện chào mời hoặc nói quá sự thật về dự án để chiêu dụ khách hàng xuống tiền; tung giá ảo, đồn thổi thông tin để đẩy giá nhà đất… Một đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam thừa nhận nhiều nội dung quảng cáo, rao bán BĐS các website, trang tin, mạng xã hội, nhất là những tờ tin có chi phí rẻ hiện nay không đáng tin cậy, tỉ lệ sai biệt đến hơn 90%.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, dẫn một khảo sát sơ bộ của hội cho thấy cả nước có khoảng 160.000 người làm môi giới BĐS nhưng chỉ 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. "Trăn trở của Hội Môi giới Việt Nam hiện nay là làm sao để có cơ sở quản lý những người hành nghề môi giới một cách bài bản, góp phần làm thị trường BĐS ổn định hơn" - ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, một văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho thấy cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 10% nhân viên môi giới đã qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp. "Đây cũng là một nguyên nhân gây ra thiệt hại cho khách hàng và tác động tiêu cực đến thị trường BĐS" - HoREA nhận định.
Đề nghị siết chặt quản lý
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường quản lý để bảo đảm ổn định thị trường BĐS. Do gần đây, một số địa phương xảy ra tình trạng doanh nghiệp BĐS vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật khác có liên quan. Các sai phạm bao gồm: triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh BĐS trái quy định; phân lô bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...
Nhận định thực trạng này gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh; tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động thị trường; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm.
T.Dương
DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động