Rất nhiều chung cư cũ sở hữu vị trí đất vàng tại TP. HCM đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng, tiến độ cải tạo, tháo dỡ xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng chưa có chuyển biến đáng kể. Người dân sống trong những chung cư này vừa bức xúc vừa lo sợ, nhưng cũng đành bó tay.
Chung cư Cô Giang và Trần Hưng Đạo (TP. HCM) xuống cấp nghiêm trọng
|
Sống trong sợ hãi
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện thành phố có 1.244 chung cư, trong đó có gần 500 chung cư xây trước năm 1975. Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 200 chung cư cũ được xây dựng từ giữa những năm 1960 đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Hình ảnh những dãy nhà cũ kỹ, xập xệ như chung cư 272 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư Cô Giang (quận 1)… không hiếm. Không chỉ là những chung cư nằm trên các khu đất vàng ở địa bàn quận 1, nhiều chung cư tọa lạc ở các quận điểm của thành phố như tại quận 5, quận 10, quận 11 cũng cùng chung số phận. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 10 có đến 88 chung cư và nhà tập thể. Tuy nhiên, đại đa số nhà tập thể hiện hữu và 36 chung cư đều rơi vào tình trạng quá niên hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, các chung cư còn đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Tới chung cư Cô Giang chiều ngày 16-6, hình ảnh những bức tường đen ngả màu xám xịt, mốc meo đập thẳng vào mắt chúng tôi. Những vết nứt dài ngoằng chạy thẳng trên nền gạch, vữa bong tróc thành từng mảng. Gạch vữa từ tầng trên rơi xuống trong khi chúng tôi hỏi han những bất cập trong chính sách di dời. Chủ căn hộ 107, lô A bức xúc, mặc dù biết nguy hiểm rình rập đến tính mạng vì chung cư đã xuống cấp song người dân chưa thể di dời vì chính sách bồi thường không thỏa đáng. "Chúng tôi muốn được làm việc với chủ đầu tư. Trường hợp đền bù thỏa đáng chúng tôi sẽ di dời ngay lập tức” - chủ căn hộ cho biết. Người dân sống ở chung cư Cô Giang phản ánh, bất cập kéo dài việc di dời của người dân hiện nay chính là chính sách đền bù giải tỏa. Theo kế hoạch đền bù, bất kể căn hộ tầng trệt hay tầng 5 nếu có diện tích 12m2, 24m2 hay 36m2 đều đổ đồng với mức đền bù khoảng 750 triệu đồng là không thỏa đáng. Khi được hỏi thông tin liên quan đến chỉ đạo của UBND thành phố yêu cầu UBND quận 1 thực hiện di dời 200 hộ dân còn lại trước ngày 30-6 thì đa số người dân lắc đầu không biết.
Sự xuống cấp trầm trọng của các chung cư cũ đồng nghĩa với việc tính mạng mấy chục ngàn con người ngày đêm luôn bị đe dọa. Một số ý kiến cho rằng, hệ số an toàn của các khu chung cư cũ đã hết. Việc còn lại cần làm ngay hiện nay, phải sớm xây mới các chung cư già cỗi khi tuổi thọ chung cư xấp xỉ gần 60 năm.
Nghẽn chính sách
Trước việc báo động về sự an toàn của nhà chung cư cũ, UBND TP.HCM đã lên kế hoạch di dời, tháo dỡ 70 chung cư với hơn 7.200 hộ dân. Song song đó, thành phố còn tiến hành xây mới 61 chung cư cũ với quy mô gần 10.000 căn hộ, tương đương 900.000 m2 sàn. Kế hoạch là thế nhưng trên thực tế, sau 5 năm ráo riết chỉ đạo thì vẫn chỉ có thể tháo dỡ được 10 chung cư cũ (quy mô 40.000 m2 sàn). Điển hình, chung cư 727 Trần Hưng Đạo trên địa bàn quận 5 đã được cảnh báo về mức độ an toàn từ lâu, chính vì thế thành phố quyết định xây mới chung cơ này. Vậy mà, sau gần 10 năm chỉ đạo đến nay chung cư này vẫn... như cũ, có nghĩa là nhếch nhác và thiếu an toàn.
Được biết, thành phố cũng đã sớm chỉ đạo, kêu gọi DN tham gia cải tạo và xây mới những chung cư cũ. Tuy nhiên, dựa trên thống kê thực tế Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, DN không mặn mà trong việc nâng cấp, cải tạo, xây mới chung cũ với vô số lý do. Hầu hết DN cho hay, nguyên nhân khiến họ thờ ơ với việc cải tạo, xây mới chung cư cũ vì chưa có chính sách hỗ trợ, đồng thời không có cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và DN. Theo DN, muốn cải tạo được bộ dạng của các chung cư cũ hiện nay cần phải có giải pháp rất cụ thể để thực hiện phương thức xã hội hóa.
Nhận định về "điểm nghẽn” trong kế hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định: Muốn DN đầu tư thành phố nên cho các chủ đầu tư điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp 3 lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ. Hoặc không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của dự án cho phép. "Sẽ lãng phí nếu quy định chỉ cho phép tăng tổng diện tích sàn xây dựng mà không tăng quy mô dân số tương ứng. Không DN nào chấp nhận bỏ tiền túi ra đầu tư khi biết rõ rằng việc thu hồi vốn đầu tư không khả thi hoặc lợi nhuận đầu tư không cao” - ông Châu nhấn mạnh.
Để cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Dự thảo Nghị định xây dựng, cải tạo chung cư cũ. Dự thảo Nghị định này được đánh giá cao nhưng vẫn thiếu sự nổi bật. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trường hợp quy định không rõ ràng, các chính sách không đủ sức đảm bảo về mặt lợi ích cho người tham gia cải tạo chung cư cũ sẽ khó thu hút các DN tham gia. Trong khi, các chung cư cũ đều nằm ở những vị trí đẹp trong nội ô các quận trong khu trung tâm thành phố, nhưng các nhà đầu tư phát triển nhà ở lại thờ ơ bỏ qua cơ hội tại những khu đất vàng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết