Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới (KĐTM) góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô và cung cấp hàng chục nghìn chỗ ở mới cho người dân.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển "nóng", giờ đây nhiều bất cập trong các KĐTM đã bộc lộ, nhất là hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh trong các khu đô thị rất thiếu. Phải chăng các chủ đầu tư đã "quên" đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội?
Cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu tại nhiều khu đô thị mới.Ảnh: Gia Hiếu
|
Nằm trên địa bàn có nhiều KĐTM nhất, nhì TP Hà Nội, lãnh đạo huyện Từ Liêm đã thừa nhận thực tế một số trường hợp chủ đầu tư cắt xén đất dành cho hạ tầng xã hội để xây nhà ở tại các KĐTM. Đặc biệt, nhiều khu không có trạm y tế, đồn công an, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong khi quy mô dân số khoảng một vạn người (tương đương với một phường) là phải có hạ tầng xã hội như đã kể trên. Bên cạnh đó, bãi đỗ xe cũng rất thiếu, ô tô, xe máy tới KĐTM hầu hết đỗ dưới lòng đường, vỉa hè... Nhiều KĐTM chỉ có siêu thị cao cấp, không có chợ dân sinh. Hệ lụy là người bán, người mua tự phát đã hình thành chợ cóc bên lề đường, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa cản trở giao thông. Trường học thì hầu hết là dân lập, học phí rất cao nên con em người dân trong KĐTM không thể vào học.
Báo cáo mới nhất của ngành chức năng cũng cho thấy, hầu hết các KĐTM đã có người ở đều chưa hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, nhất là thiếu trường học. Không chỉ ở Từ Liêm, ở một số quận, huyện khác cũng vậy, chẳng hạn như ở KĐTM Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai), theo quy hoạch phải có 2 nhà trẻ, một trường tiểu học, một trường THCS, nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện. Một số KĐTM khác đều thiếu cả trường tiểu học, mầm non, THCS và THPT... Về tình trạng thiếu hạ tầng xã hội ở các KĐTM, đại diện chủ đầu tư cho biết, không phải doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư và không phải cứ thiếu trường học, bệnh viện, chợ... là xây dựng được, mà vấn đề này liên quan đến nhiều ngành, trong đó có các cấp chính quyền sở tại...
Dưới góc độ nhà quy hoạch, có chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đều lấy lợi nhuận làm chính. Doanh nghiệp không xây dựng hạ tầng xã hội là do khi người ra "đầu bài" không làm rõ, quy định chi tiết ai sẽ xây dựng và quản lý các công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, cũng không nên chỉ trách các nhà đầu tư, mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Còn phía cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng, hầu hết các KĐTM khi được hoàn thành, người dân đã đến ở, nhưng hệ thống trường học, bệnh viện, chợ... lại chưa hoàn thành đồng bộ theo quy hoạch, dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội nói chung, trường học nói riêng trong các KĐTM chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Chính quyền sở tại cũng chưa sát sao khi chủ đầu tư các KĐTM thực hiện dự án.
Vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay là nếu chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức, ngành chức năng cần có giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng này? Để sớm khắc phục những tồn tại trên, ngay từ bước lập, phê duyệt dự án, ngành chức năng cần có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư, muốn đưa vào khai thác KĐTM phải có đủ các công trình hạ tầng xã hội và có quy chế quản lý rõ ràng. Rà soát lại quy hoạch các KĐTM, làm rõ tính pháp lý của các ô đất đang sử dụng chưa đúng mục đích và có giải pháp thu hồi các ô đất đó. Đặc biệt, yêu cầu chủ đầu tư bố trí đủ quỹ đất "sạch" để xây dựng các công trình xã hội và xây dựng quy chế quản lý khu đô thị. Với các KĐTM đã xây dựng, chủ đầu tư cần bố trí quỹ nhà cho nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của dân cư trong khu. Phần diện tích quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội cần sớm xác định chủ đầu tư thứ cấp, bàn giao lại cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên ngành quản lý phát triển các công trình xã hội, để người dân được hưởng những dịch vụ công ích với giá hợp lý mà lẽ ra họ được hưởng ngay từ khi đến ở trong các ĐTM.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới