Nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội đang ế ẩm vì giá quá cao. Các dự án đang bán nhà vắng hoe, số khách không có tiền thanh toán phải rút lui, tháo chạy cũng không ít.
Khách chê giá cao
Hà Nội tiếp tục có hai dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) Đại Mỗ (Từ Liêm) và Sài Đồng (Long Biên) triển khai nhận hồ sơ xin mua nhà. Nhưng không như các đợt tiếp nhận hồ sơ tại các dự án trước đây, không khí đợt này khá trầm lắng.
Đợt bốc thăm lần 2 dự án NTNT Sài Đồng của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3), chỉ có 30 khách hàng đã chọn vị trí căn hộ. Hơn 100 căn hộ còn lại chưa có người mua.
Người dân rất cần nhà nhưng giá nhà thu nhập thấp vẫn còn quá cao.
Tương tự, dự án NTNT Sài Đồng của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico5) cũng chỉ có hơn 100 khách hàng đến đóng tiền trên tổng số 420 căn hộ.
Vắng vẻ nhất có lẽ là dự án Đặng Xá của Tổng Công ty Viglacera tại Gia Lâm. Trong lần bốc thăm đợt 2 chỉ có 15 người ký hợp đồng nộp tiền. Như vậy, trong 4 dự án NTNT đang bán trên địa bàn Hà Nội, đã có đến 3 dự án ế nặng với tổng số 1.000 căn hộ dồn ứ.
Lý do được đề cập nhiều nhất vẫn là, giá NTNT xấp xỉ với giá nhà ở thương mại. Không khó để thấy rằng giá nhà ở thương mại nhiều nơi đã đạt 14-15 triệu đồng/m2 thì NTNT lại phổ biến ở mức 13 triệu đồng/m2. Tiến độ thanh toán, đóng tiền cũng như chế độ cho vay cũng hết sức căng.
Chị Nguyễn Thu Huyền, một người đi mua nhà dự án Đặng Xá nói thẳng, dự án dành cho người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội mà bán giá thế này dân không bao giờ mua được.
"Tôi tạm tính nếu Nhà nước có tạo điều kiện cho người dân vay mua căn hộ 60m2 trong 5 năm. Người dân mỗi năm phải trả là hơn 100 triệu đồng chưa tính lãi. 100 triệu đồng chia cho 12 tháng thì mỗi tháng phải trả từ 8 - 9 triệu đồng.
Mức tiền trả nợ ngân hàng như thế thì không phải là dành cho người có thu nhập thấp mà là của người có thu nhập cao" - chị Huyền nói.
Làm một phép tính đơn giản, nếu người dân bỏ ra một số tiền gần 800 triệu đồng để mua một căn hộ thu nhập thấp diện tích 60 m2 thì họ cũng có thể dùng số tiền đó để mua một căn nhà ở thương mại với diện tích nhỏ hơn tại các khu đô thị, hay lựa chọn đến với một căn hộ chung cư mini.
Đó là chưa kể, họ không phải bị ràng buộc bởi những điều kiện, yêu cầu phức tạp về sở hữu, thời gian chuyển nhượng, xét duyệt... như NTNT.
Phải rất vất vả mới mua được NTNT. Thế nhưng, khi đã được quyền mua căn hộ rộng 70 m2 tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông) và đã đóng 30% giá trị căn hộ, anh Nguyễn Đình Toàn, hiện sống tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội lại thấy mình chẳng may mắn.
Lý do mà anh Toàn đưa ra là anh không biết xoay đâu ra số tiền ngót 200 triệu đồng để đóng tiền đợt 2 cho chủ đầu tư. Vì vậy, nếu không xin giãn được tiến độ nộp tiền, thì giải pháp cuối cùng của anh sẽ là xin rút lại hồ sơ mua nhà, chấp nhận bị phạt.
Doanh nghiệp chật vật
Không chỉ có những cái khó do quy chuẩn thiết kế, quy mô căn hộ, dự án, vật liệu nội ngoại thất, mà theo các doanh nghiệp xây dựng, sự biến động giá quá nhanh qua thời gian cũng là một nguyên nhân làm đội giá NTNT, gây khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Nguyên, Phó giám đốc Hanco 3 phân trần, giá thì phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm. Dự án Sài Đồng bắt đầu làm từ cuối năm 2010, tính từ năm 2010 sang năm 2011 thì giá thị trường vật tư đã biến động 20% đến 30%, giá nhà cao chủ yếu vẫn là do giá cả thị trường. Sau khi có trượt giá, nhiều người đã không có đủ tiền mua.
Không bán được nhà, DN cũng bắt đầu lo lắng còn chính sách nhà thu nhập thấp khó hoàn thành như mong đợi
|
Ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT Handico 5 thừa nhận, tình trạng khách hàng không còn mặn mà với NTNT, tìm cách trả lại căn hộ sau khi đã đăng ký mua đang diễn ra khá phổ biến.
Dự án NTNT Sài Đồng - dự án nhà ở xã hội đầu tiên của Handico 5 có 420 căn hộ, vừa qua, một số khách hàng đã trả lại nên số căn hộ được tiêu thụ chỉ vào khoảng 300 căn, còn hơn 100 căn hộ vẫn chưa tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Văn Đa - Phó GĐ Công ty Vinaconex Xuân Mai cũng chia sẻ, dự án NTNT Kiến Hưng (Hà Đông) do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng đang trong cảnh nhiều khách hàng rút hồ sơ xin không mua nhà.
Cảm thông với những "nỗi khổ" của doanh nghiệp, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội - ông Vũ Ngọc Đạm cho rằng, chính sách NTNT của Chính phủ có miễn thuế VAT, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng và miễn giảm tiền đất.
Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế chỉ được thực hiện trong năm 2009 trong khi các dự án nhà thu nhập thấp hầu hết khởi công trong năm 2010. Vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thì chỉ có duy nhất dự án Đặng Xá được vay nhưng tới nay giải ngân rất ít. Các dự án khác chỉ được miễn giảm tiền đất nhưng tiền đất phân bố trong nhà cao tầng lại không đáng kể.
"Tiền đất phân bổ trong nhà cao tầng rất ít độ 1 triệu đồng/m2 mà phân bổ cho hàng trăm căn hộ. Do đó chỉ giảm được giá khoảng 1 triệu/m2 so với giá nhà kinh doanh thương mại. Chẳng hạn dự án NTNT 13 triệu đồng/m2 thì dự án nhà thương mại 14 triệu đồng/m2" - ông Đạm nói.
Thất bại NTNT?
Khi phát động chương trình làm NTNT năm 2009, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho người dân nội thành. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2015 có 189 dự án, đáp ứng cho khoảng 700.000 người.
Song đến nay, Bộ Xây dựng vẫn không tổng kết được chương trình bởi mới có 39 dự án (chỉ đạt 26% so với dự kiến) được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 39 dự án này, hiện mới có gần 1.800 căn hộ hoàn thành, chỉ đạt... 1% so với kế hoạch và các dự án hiện nay được bán ra thị trường không có người mua.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức giá dao động từ 11-13 triệu đồng/m2 thì người nghèo không thể tiếp cận được. Chính sách về phát triển NTNT nên đi theo hướng xây dựng, hình thành thị trường nhà cho thuê. Nhà nước sẽ là đóng vai trò chủ đạo thực hiện các dự án.
"Dù thiết kế diện tích nhỏ 30 m2, 50m2 đối tượng này cũng không đủ tiền mua. Chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp là một chương trình Nhà nước phải đóng vai trò cầm cân nảy mực; là chính sách nhà ở cho thuê và với giá cho thuê ưu đãi. Có vậy mới giải quyết được các vấn đề bức xúc phát sinh hiện tại" - Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm.
Trước đó, ông Tống Văn Nga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS VN cũng đề xuất, NTNT phải được coi đây là tài sản của Nhà nước; đồng thời giao cho một cơ quan đảm trách quản lý cho thuê tới những đối tượng có đồng lương và thu nhập trung bình, ổn định.
Với người dân, đề xuất chỉ nên cho thuê và thuê mua trả chậm trong vòng 10-20 năm thì chắc chắn người có thu nhập ổn định, có nghề nghiệp thì họ sẽ có điều kiện mua.
"Với có giá thuê hợp lý thì người có thu nhập ổn định ai cũng muốn vào. Còn thuê mua là dài hạn, lúc đầu người mua trả hàng năm, sau 10-15 năm trả hết tiền, lúc ấy căn nhà chuyển thành sở hữu của anh. Tôi cho rằng chính sách đúng thì sẽ có kết quả, do đó chắc chắn Hiệp hội sẽ kiên trì đề xuất với Bộ Xây dựng hướng này" - Ông Nga quả quyết.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF