Top

Nhà siêu mỏng, gỡ mãi không xong

Cập nhật 22/04/2013 08:50

Câu chuyện xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã nóng từ cách đây 7-8 năm, từng nhiều lần được đưa ra chất vấn ở HĐND TP Hà Nội nhưng tới nay vẫn chưa thể chấm dứt. Vướng mắc lớn nhất hiện đang nằm ở những công trình mỏng, méo đã có từ trước năm 2005.

Dấu X đã tồn tại từ cả chục năm nay nên rất khó xử lý

Mắc ở đâu?

Không thể phủ nhận sự vất vả của các sở ngành, quận huyện trong suốt nhiều năm qua trong công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Bằng chứng rõ nét là tới nay, TP đã xử lý được 389 trường hợp (trên tổng số 597 nhà siêu mỏng, siêu méo đã thống kê). Chỉ trong 3 tháng đầu năm, các quận, huyện đã “thanh lý” được 44 trường hợp mỏng méo. Trong đó, phần lớn thuộc dạng “khó nhằn”, nằm ở các quận nội thành như Ba Đình, Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ...

Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Trần Đức Học, hiện nay, 9 quận, huyện còn đang “nợ” TP 208 trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Trong đó, quận Ba Đình hiện còn nhiều nhất, với 69 trường hợp. Các quận nội thành còn nhiều trường hợp tồn đọng tiếp theo là Hà Đông (34); Đống Đa (28), Tây Hồ (23), Hai Bà Trưng (19)...

Điểm khó khăn nhất là nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo trong số 208 trường hợp nói trên đều nằm ngoài chỉ giới mở đường, đã tồn tại từ trước ngày 15-3-2005 tới nay, tức là được “khai sinh” trước khi có Luật Xây dựng và quy định của TP về không cho phép xây nhà mỏng, méo. Các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh, bán hàng quán... Toàn bộ 69 trường hợp tồn đọng ở quận Ba Đình đều rơi vào dạng này. Về hướng xử lý, UBND quận Ba Đình đã đề xuất TP bố trí nguồn ngân sách để thu hồi 34/69 trường hợp. Ngoài ra, UBND quận Ba Đình cũng đề ra phương án xử lý một số trường hợp theo hướng hợp khối kiến trúc (không hợp thửa đất) với điều kiện đảm bảo kiến trúc mặt ngoài liền khối, thống nhất về hình thức, màu sắc, không nhìn thấy cạnh siêu mỏng, siêu méo. Thêm một lý do quan trọng nữa, là bản thân các hộ dân nói trên đã từng chịu thiệt thòi khi Nhà nước thu hồi đất để mở đường từ cách đây hơn 10 năm. Nay, nếu lại thu hồi tiếp, thành ra người dân quá thiệt vì bị thu hồi đất tới 2 lần trên cùng một thửa.

Chưa có hướng xử lý rõ ràng

Thừa nhận thu hồi đất với nhà mỏng, méo rất khó, ông Trần Đức Học cho biết, chuyện người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối không đơn giản do nhiều trường hợp đều nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao theo giá trị trường. Đó là chưa kể nhiều trường hợp đã sinh sống và kinh doanh nhiều năm. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tiến độ xử lý chậm còn do các cấp chính quyền vẫn lúng túng. Hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc chưa thực sự quyết liệt. Thêm vào đó, các sở ngành có trách nhiệm cũng có sự chậm trễ trong việc hướng dẫn các quận, huyện phương án xử lý cụ thể. Đặc biệt, theo quy định hiện hành, để việc giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, dù là diện tích rất nhỏ nhưng vẫn phải thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng, thu hồi đất theo Luật Đất đai với nhiều thủ tục rườm rà nên tiến độ đã chậm lại càng chậm hơn.

Một mặt xin TP gia hạn thêm 2 tháng (tới hết quý II-2013), đại diện Sở Xây dựng cam kết sẽ hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện tiếp tục xử lý các nhà mỏng, méo còn lại. Đây không phải lần đầu tiên hạn xử lý nhà mỏng, méo được “cơi nới” và có lẽ cũng không phải lần cuối cùng. Bởi, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở hơn 80 trường hợp nhà mỏng, méo đã tồn tại trước năm 2005 và người dân đã ăn ở, kinh doanh ổn định từ lâu. Với các trường hợp này, các cơ quan tham mưu của thành phố cũng chưa đưa ra được “cao kiến” gì để người dân có thể đồng thuận.

Trường hợp nhà mini nhất TP là “ngôi nhà” 2 tầng được xây trên diện tích đất... 2,8m2 ở đường Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Đứng tiếp theo trong danh sách là các “ngôi nhà” 2-3 tầng xây dựng trên diện tích 3,06m2; 3,64m2; 3,8m2; 4,06m2; 5,2m2... ở quận Hai Bà Trưng, Long Biên, Ba Đình...< /P>


DiaOcOnline.vn - Theo An ninh Thủ đô