Chuyện nhà ở tại Việt Nam hiện nay không chỉ "nóng" đối với người trong nước và trên các phương tiện thông tin của Việt Nam. Người nước ngoài, báo chí nước ngoài cũng "nóng" theo.
Báo The Straits Times của Singapore, tờ báo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, từ giữa tháng 11 năm ngoái đã đăng bài của PV thường trú tại Hà Nội, Roger Mitton, có tựa đề Vietnamese feel the pinch of red-hot home prices (Người Việt Nam vật vã trước giá nhà leo thang).
Bài báo kể chuyện gia đình chị Nguyễn Thu Hương sống ở ngoại thành Hà Nội là bác sĩ, chồng là kỹ sư, phải trả tiền thuê một căn hộ trong một tòa nhà cũ kỹ với giá 1 triệu đồng (bằng một nửa lương tháng của chị). Rồi chị Trần Minh Phương, làm kế toán cho một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em của nước ngoài ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) phải trả mất 1/3 lương tháng (1,8 triệu đồng) cho căn nhà thuê bé xíu. Tất cả họ đều mong mỏi dành dụm mua lấy một căn hộ chung cư, nhưng giá cả cứ leo thang đến mức gần gấp 10 lần lương tháng của họ cho 1m2 nhà.
Bên cạnh những người bản xứ chật vật chuyện nhà thuê tăng giá, 81.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng chịu cảnh chủ nhà "buồn buồn lại đòi tăng giá", dù thu nhập và mức sống của họ cao hơn rất nhiều.
Báo Financial Times, tờ báo chuyên về mảng kinh tế, tài chính của thế giới tại London, cũng chạy một bài lớn trên trang "Nghề nghiệp châu Á" (Careers Asia) với tựa đề Vietnam housing costs go through the roof (Giá nhà ở Việt Nam tăng xuyên nóc) của PV Amy Kazmin. Minh họa cho bài báo là bức biếm họa của họa sĩ Bromley vẽ 2 căn hộ chung vách giống hệt với 2 cánh cửa kề nhau. Một người đàn ông đi làm về, tra chìa vào ổ khóa nhà mình thì thấy giá thuê đã tăng lên 2.400 USD/tháng, trong khi cánh cửa mở của nhà bên cạnh giá chỉ 1.200 USD/tháng!
Theo thông tin trên bài báo, cách đây chưa lâu, một người nước ngoài có thể thuê được một ngôi nhà biệt lập, sang trọng có hồ bơi, sân vườn, ở khu vực trung tâm TP.HCM với giá chỉ khoảng 2.000 USD/tháng, thì bây giờ điều đó đã quá xa vời. Mới đây, một doanh nhân nước ngoài xin giấu tên tìm được một căn hộ vừa ý tại TP.HCM sau 3 tháng tìm kiếm.
Sau khi ký hợp đồng thuê 3 năm và còn chưa kịp dọn về ở thì chủ nhà đề nghị chấm dứt hợp đồng, đồng ý "bồi thường" cho người đi thuê một khoản tương đương 3 tháng tiền nhà. Sở dĩ chủ nhà "quay 360 độ" vì có người khác muốn thuê nó với giá gấp đôi. Cuối cùng, anh này đành phải trả tiền thuê hằng tháng bằng gấp rưỡi tiền thuê trong hợp đồng để giữ lấy căn nhà.
Sự việc trên phản ánh một cách sinh động nhất tình hình thiếu nhà ở dành cho đối tượng người nước ngoài có thu nhập cao. Đặc biệt, ngày càng có nhiều gia đình nước ngoài "chuyển hộ khẩu" sang các thành phố lớn của Việt Nam sinh sống bởi công việc kinh doanh, đầu tư của họ. Các nhân viên môi giới nhà đất cho biết, vào thời điểm tựu trường hằng năm, cơn "sốt" nhà cho người nước ngoài càng căng thẳng, gây nên một cú "shock" đối với những người từng có suy nghĩ với một mức chi trả nhất định, họ có thể tìm được một chỗ ở sang trọng tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Từ khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), số doanh nghiệp nước ngoài vào đất nước với mức tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 8% này ngày càng tăng. Các luồng đầu tư mang vào Việt Nam một đội ngũ giám đốc điều hành, chuyên gia tư vấn, luật sư, kế toán, các kỹ sư chuyên ngành khác khá đông đảo, mà tất cả đều cần một chỗ ở tươm tất.
Trong khi đó, theo Công ty môi giới bất động sản CB Richard Ellis (CBRE), tại TP.HCM chỉ có khoảng 400 tòa nhà căn hộ dịch vụ với tỷ lệ lấp đầy ở mức 97% và giá tăng từ 12-20% trong vòng từ cuối năm 2006 đến giữa năm 2007. Còn ở Hà Nội, số tòa nhà căn hộ có khá hơn, khoảng 1.300, nhưng vẫn "không thấm tháp" so với nhu cầu. Còn nhà villa ở các thành phố lớn thì giá cũng tăng ở mức 15-10% mỗi năm, có nơi tăng cao hơn. Theo tác giả bài báo, trung bình, giá thuê nhà ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn ở một số thành phố của Trung Quốc, Singapore hay Hồng Kông, nhưng đã xấp xỉ, thậm chí cao hơn Bangkok và Kuala Lumpur.
Giá nhà tăng gây khó khăn cho những nhà đầu tư. Bài báo trích lời Fred Burke, một luật sư của Công ty luật Baker McKenzie, nói rằng: "Vấn đề nhà cửa đang trở thành một mối bận tâm lớn đối với những nhà đầu tư muốn đưa nhân công vào Việt Nam".
Ông cũng nói thêm rằng, nhiều văn phòng luật sư nước ngoài đã lên tiếng về khó khăn này. Bài báo cũng nói thêm, không chỉ những người mới đến cảm thấy khó khăn trong việc tìm nhà, mà chính bản thân ông Richard Leech, một giám đốc của Công ty môi giới bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) tại Hà Nội, mới đây cũng phải chuyển khỏi căn nhà thuê biệt lập, bởi chủ nhà bán nó cho một người khác, và chủ nhà mới đòi tăng giá lên gấp đôi.
Theo Thanh Niên