“Các nhà đầu tư quốc tế từng quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam từ những năm 2008 - 2009, hiện đang quay lại và quan tâm tới tất cả các phân khúc, miễn là các dự án đảm bảo tính pháp lý và chủ đầu tư chứng minh được năng lực”. Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, ông Timothy Horton trao đổi với Đầu tư Bất động sản về triển vọng thị trường sắp tới.
*
Cùng với động thái hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rất nhiều lời cam kết cung vốn cho các dự án bất động sản đã được đưa ra từ phía các ngân hàng. Theo ông, liệu đã đến thời điểm để các nhà đầu tư bỏ vốn vào địa ốc?
Việc các ngân hàng công bố mở cửa cho bất động sản vay vốn, gần nhất là gói 50.000 tỷ đồng là một dấu hiệu tốt, nhưng nhìn chung mới chỉ là kích cung. Điều quan trọng, theo tôi là cần có biện pháp kích thích lực cầu hơn nữa.
Về thời điểm đầu tư, còn tùy thuộc vào chiến lược đầu tư (bao gồm loại hình bất động sản) và kế hoạch, thời gian đầu tư của từng cá nhân, công ty phát triển bất động sản hay quỹ đầu tư. Theo quan điểm của Cushman & Wakefield Việt Nam với vai trò là công ty tư vấn bất động sản, dấu hiệu rõ nhất hiện nay là sự quan tâm của các nhà đầu tư đang dần được cải thiện ở hầu hết các phân khúc.
Trước đây, phần lớn nhà đầu tư quan tâm đến đất phát triển dự án vì khả năng sinh lợi cao hơn so với tài sản đang vận hành. Sau thời kỳ bong bóng bất động sản, thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng, nhu cầu thị trường thấp dần, nhà đầu tư nhìn chung thận trọng hơn, nên họ chọn bất động sản đang có dòng tiền đảm bảo (bất động sản đang hoạt động) như là tiêu chí đầu tiên để đầu tư.
*
Theo ông, phân khúc nào sẽ là điểm sáng của thị trường trong năm nay?
Diễn biến thị trường từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 cho thấy, phân khúc văn phòng cho thuê ổn định và đón nhận nhiều sự quan tâm.
Sự ổn định này có được là do giá thuê văn phòng hạng A giảm, tỷ lệ lấp đầy cao và việc thiếu hụt khối lượng lớn nguồn cung mới trong trung hạn. Tuy nhiên, xét về biên độ lợi nhuận kỳ vọng của hầu hết chủ sở hữu các tòa nhà, tôi không nghĩ phân khúc thị trường này sẽ có nhiều biến động trong tương lai gần. Để quyết định đầu tư vào những tòa nhà này, các nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn và chấp nhận rủi ro.
Chúng tôi dự đoán, xu hướng thuê dài hạn/thuê từng phần sẽ tái diễn, bởi các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu lựa chọn phương án đầu tư nhỏ hơn, tiêu thụ lượng vốn ít hơn.
*
Vậy triển vọng thị trường, theo đánh giá của ông ra sao?
Sau Tết Âm lịch vốn được coi là khoảng thời gian trầm lắng của thị trường nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, tại Cushman & Wakefield Việt Nam, chúng tôi chứng kiến nhu cầu và lượng giao dịch tăng lên rõ rệt.
Niềm tin của nhà đầu tư và người mua nhà đang dần tăng, độ minh bạch và hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục là những nhân tố chính thúc đẩy sự hồi phục của thị trường.
*
Trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy họ đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại?
Qua nhiều cuộc tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy họ quan tâm thật sự đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Hơn nữa, họ cũng nhận thấy những động thái tích cực từ các chính sách hỗ trợ phía Chính phủ đối với thị trường, điều này cũng là một yếu tố giúp họ quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, Cushman & Wakefield đang làm việc với một số nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc. Hầu hết những nhà đầu tư này có nhu cầu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở tại các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh duyên hải.
Sở dĩ họ quan tâm nhiều và muốn đầu tư nhiều vào Việt Nam vì theo đánh giá, giá trị giao dịch bất động sản của Việt Nam hiện nay đang rẻ hơn so với Trung Quốc.
*
Vậy còn các nhà đầu tư nói chung thì sao, thưa ông?
Theo tôi, các nhà đầu tư hiện dành sự quan tâm đến tất cả loại hình bất động sản trên thị trường, miễn là bất động sản nào đang có dòng tiền đảm bảo (bất động sản có sẵn - đang hoạt động), từ văn phòng, bán lẻ đến khách sạn. Họ chính là các nhà đầu tư đã từng quan tâm đến thị trường Việt Nam từ những năm 2008 - 2009 và hiện nay quay lại trị trường.
*
Cushman & Wakefield từng đề cập đến việc có hai xu hướng diễn tiến trái chiều trong phân khúc văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM, xin ông có thể nói rõ hơn về hai xu hướng này?
Đúng là hiện nay đang có hai xu hướng trái chiều cho phân khúc này. Cụ thể, tại Hà Nội, khách thuê có xu hướng chuyển ra khu ngoài trung tâm - khu phía Tây, trong khi tại TP. HCM, nhiều khách thuê mong muốn di chuyển trở lại vào khu trung tâm. Thay vì tăng giảm giá thuê cùng một thời điểm như trước kia, giá thuê văn phòng TP. HCM đã bình ổn, trong khi giá thuê văn phòng Hà Nội tiếp tục chịu áp lực giảm giá do gia tăng nhiều nguồn cung mới.
Hiện nay, Cushman & Wakefield đang nhìn thấy nhiều dấu hiệu khả quan trên cả hai thị trường. Mặc dù những diễn biến trái chiều sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng xu hướng trong tương lai gần sẽ rất khả quan.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán