Top

Nguy cơ mất tiền vì tin lời môi giới

Cập nhật 23/11/2015 13:19

Thị trường bất động sản ấm lên, hoạt động môi giới cũng vì thế mà trở lên nhộn nhịp. Tuy nhiên, để bằng mọi cách “câu” được khách hàng, nhân viên môi giới không ngần ngại đưa ra các loại “bánh vẽ”.

Cho khách hàng ăn “bánh vẽ”

Hơn nửa tháng nay, chị Nguyễn Minh Huyền (Hà Nội) chạy vạy khắp các ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn mua căn hộ tại dự án Gold Mark City. Tuy nhiên, gõ cửa ngân hàng nào chị cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mệt mỏi, nhưng chị Huyền lại càng lo lắng hơn trước nguy cơ mất trắng số tiền 100 triệu đồng đặt cọc mua căn hộ tại dự án này.

Trao đổi với PV, chị Huyền bức xúc cho biết, ngày 24/10/2015 chị đến tham dự buổi giới thiệu và mở bán dự án Gold Mark City tại khách sạn Grand Plaza. Tại đây chị được sự  tư vấn rất nhiệt tình của nhân viên môi giới của Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc và nhân viên ngân hàng là chị có thể vay vốn ngân hàng để sở hữu một căn hộ tại Gold Mark City với mức thu nhập từ lương là 14,5 triệu đồng/tháng cộng với khoản cho thuê mảnh đất tại Sóc Sơn-Hà Nội là 30 triệu đồng/tháng. Chị đã đồng ý đặt cọc 100 triệu đồng để được hưởng những ưu đãi từ chủ đầu tư mua căn hộ R3-1005.

Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vay vốn thì phía ngân hàng nói rằng hồ sơ của chị không đủ tiêu chuẩn nên không cho vay. Chị đã phải đến gặp đại diện chủ đầu tư và Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc để xin gia hạn làm hợp đồng để tìm kiếm nguồn vay từ ngân hàng khác. Thế nhưng mặc dù tích cực nộp hồ sơ vay tại một số ngân hàng nhưng chị đều bị từ chối. Sau đó, chị đã làm đơn gửi chủ đầu tư dự án Gold Mark City và Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc, nhưng tất cả chị chỉ nhận được một email trả lời với nội dung không thể lấy lại tiền đặt cọc.

Thị trường BĐS ấm lên, hoạt động môi giới BĐS càng trở lên bát nháo.

“Trong email chỉ trả lời rằng phía đơn vị môi giới đã chuyển đơn thư của tôi đến chủ đầu tư và chủ đầu tư phản hồi lại rằng tôi không thể lấy lại tiền đặt cọc nếu không đến ký hợp đồng mua bán căn hộ. Bên cạnh đó, nhân viên môi giới thì liên tục gọi điện ép tôi phải đến ký hợp đồng mua bán không sẽ mất 100 triệu tiền đặt cọc. Nếu họ không tư vấn cho tôi rằng tôi có thể vay vốn ngân hàng để mua căn hộ thì làm sao tôi dám ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ giá trị lên tới gần 2,5 tỷ đồng. Khi ngân hàng không cho vay thì họ chỉ thông báo qua mỗi một email là hết trách nhiệm. Không thể chấp nhận được cái cách làm ăn vô trách nhiệm, đem con bỏ chợ như thế được. Làm ăn thế khác nào lừa đảo”, chị Huyền bức xúc cho biết.

Chưa có chế tài đủ mạnh

Theo ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland thì khi khách hàng đặt cọc mua căn hộ giữa sàn giao dịch BĐS và khách hàng đều có một hợp đồng đặt cọc, chí ít cũng là một biên bản đặt cọc. Nếu khách hàng hay đơn vị môi giới không thực hiện đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng, biên bản đó đều phải chịu phạt. Tuy nhiên, phía công ty môi giới chỉ phải chịu phạt khi không đáp ứng được các yêu cầu trong hợp đồng, còn việc các thỏa thuận bằng miệng giữa nhân viên môi giới với khách hàng không phải trách nhiệm của công ty môi giới. Do đó trong trường hợp như của chị Nguyễn Minh Huyền ở trên phía đơn vị môi giới chỉ chịu trách nhiệm với những điều khoản đã ký trong hợp đồng.

Trao đổi với luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Phát (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), luật sư Khải cho rằng, hiện nay các sàn giao dịch BĐS chủ yếu làm hợp đồng môi giới bán (lấy phí môi giới từ chủ đầu tư bán hàng, khách hàng không phải chịu phí) chính vì thế mà nhân viên môi giới làm đủ mọi cách để lôi kéo khách hàng. Càng nhiều khách hàng ký hợp đồng thì càng được nhiều phí môi giới. Thực tế, hợp đồng đặt cọc chỉ là một thỏa thuận dân sự do đó bên nào không thực hiện đúng các điều khoản thì phải chịu phạt theo thỏa thuận. Trong trường hợp tranh chấp phải đưa ra tòa thì tòa cũng sẽ chỉ xử dựa trên hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, còn các thỏa thuận bằng miệng sẽ không thể xử lý được.

Luật sư Trần Quang Khải cho biết, cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro với khách hàng là mọi thỏa thuận đều cần được trao đổi kỹ lưỡng để đưa vào hợp đồng từ hợp đồng đặt cọc đến hợp đồng mua bán. Tất cả phải thể hiện trên hợp đồng thì khách hàng mới không phải chịu thiệt. 

Theo Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thì hiện tượng các nhà môi giới BĐS gây náo loạn thị trường như dư luận phản ánh gần đây là có thực, nhưng chỉ là một số, một góc thị trường và không phải là tất cả.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, để hoạt động môi giới bất động sản lành mạnh, nhất thiết cần có chế tài đủ mạnh. Hiện, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đang có những hành động cụ thể để đưa hoạt động môi giới về chuẩn mực như: ban hành chuẩn mực đạo đức hành nghề bắt buộc với tất cả những môi giới; xây dựng chương trình đào tạo chuyên môn nghề nghiệp chuẩn mực thống nhất trên toàn quốc; liên kết rộng rãi với các tổ chức đào tạo để hỗ trợ đào tạo lại cho hội viên về nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng và kỹ năng nghề cho môi giới trong hoạt động hành nghề; đề xuất được phối hợp với Bộ Xây dựng tham gia sát hạch nghề nghiệp trước khi bộ cấp chứng chỉ hành nghề; đề xuất với nhà nước bổ sung các qui định, chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của các nhà môi giới sai phạm.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND