Năm 2010, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bất động sản đã công bố sẽ hoàn thành, bàn giao khối lượng lớn nhà ở cung ứng cho thị trường Hà Nội. Thị trường bất động sản (TTBĐS) được nhận định sẽ nhộn nhịp với giá ổn định khi nguồn cung dồi dào hơn.
Nhiều dự án được triển khai và đưa vào sử dụng
Thị trường bất động sản năm 2010 được đánh giá sẽ ổn định hơn. Ảnh: Đàm Duy |
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam công bố kế hoạch năm 2010 cung ứng cho TTBĐS khoảng 70 vạn mét vuông sàn nhà ở, trong đó 10% là diện tích nhà xã hội. Địa bàn chính của HUD vẫn là các đô thị lớn, gồm Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương. Đều đặn từ nay đến năm 2015, HUD sẽ cung ứng cho TTBĐS khoảng 8 triệu mét vuông sàn nhà ở.
Tập đoàn Sông Đà, đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam cũng xác định đầu tư bất động sản, nhà ở là một trong những lĩnh vực quan trọng được ưu tiên. Năm 2010, tập đoàn dự kiến hoàn thành, bàn giao 237.000m2 sàn nhà ở, phần lớn là các dự án nằm trên địa bàn Hà Nội. Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), một DN lớn trong lĩnh vực bất động sản, đang triển khai 63 dự án đầu tư, đáng kể như các dự án khu đô thị (KĐT) Bắc An Khánh; công trình công cộng, nhà ở và trường học tại 310 Minh Khai; Kim Văn, Đông Ngạc (Hà Nội); các dự án KĐT tại Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Đặc biệt, nhiều đơn vị thành viên của Vinaconex đã tiên phong trong việc triển khai dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp.
Là DN xây dựng của Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) dự kiến năm 2010 sẽ khởi công hàng loạt dự án KĐT mới trên địa bàn Hà Nội như KĐT Hạ Đình, giai đoạn 3 KĐT Nam Thăng Long (trong đó có khu vực 21ha do tổng công ty trực tiếp đầu tư), KĐT mới Hoàng Văn Thụ, chung cư cao tầng 122 Vĩnh Tuy, công trình hỗn hợp cao tầng N04 KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, khu nhà ở Đại Mỗ và Đại Kim...
Ngoài ra, UDIC đang hoàn thành thủ tục đầu tư dự án KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm, KĐT Nam Hồng. Năm 2010, tổng công ty dự kiến hoàn thành, bàn giao 120.000m2 nhà ở. Một DN khác của Hà Nội là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) cũng dự kiến hoàn thành 260.000m2 sàn nhà ở, trong đó có dự án khu nhà ở Trung Văn, Sài Đồng, tổ hợp văn phòng - căn hộ cho thuê số 5 Thành Công, tổ hợp nhà ở - dịch vụ - thương mại C3 Trung Hòa - Nhân Chính...
Thị trường sẽ sôi động
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cuối năm 2009, TTBĐS giảm mạnh về giao dịch, hầu hết các sản phẩm đều giữ nguyên giá. Nguyên nhân do chính sách tín dụng cho bất động sản được các ngân hàng siết lại. Ở một số dự án, giới đầu cơ tạo ra "sốt" ảo bằng nhiều hình thức như đưa hàng ra nhỏ giọt, tự mua vào - bán ra để đẩy mặt bằng giá lên. Đến khi đạt được lợi nhuận mong muốn, lượng tiền ngừng bơm vào thị trường, tất yếu dẫn đến việc hạ "sốt" khi không còn người mua. Tổng kết hoạt động sàn giao dịch bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, TTBĐS mới hình thành và đang ở giai đoạn mất cân đối cung - cầu.
Đầu tư cho bất động sản đòi hỏi vốn lớn, dài hạn, trong khi kênh vốn hiện chủ yếu dựa vào các ngân hàng, nên khi có biến động về tài chính các ngân hàng thường siết chặt các khoản vay bất động sản, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của nhiều dự án. Mặt khác, dự án bất động sản thường mất 2-3 năm, thậm chí lâu hơn mới có sản phẩm, nên nhiều khi không đáp ứng ngay được nhu cầu. Vì vậy, dễ xảy ra tình trạng sốt ảo, giá tăng; khi cung - cầu được cân đối, thủ tục đầu tư nhanh, nhiều dự án được đưa ra thị trường, nguồn cung dồi dào, chắc chắn giá sẽ trở về đúng giá trị thực.
Năm 2010, TTBĐS được đánh giá là tiếp tục hồi phục, vì nhu cầu còn lớn, nhất là phân khúc nhà ở, văn phòng, khách sạn, cơ sở thương mại. Bên cạnh đó đà phục hồi của TTBĐS cũng không thể tách rời đà hồi phục của nền kinh tế nói chung, với dự báo nhu cầu chỗ ở ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, điều chắc chắn là khi nhiều dự án được hoàn thành, thị trường sẽ có giá cả ổn định hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới