Cho người nước ngoài thuê nhà (NNNTN) để cải thiện thu nhập) là phương cách chung của vô số các chủ biệt thự, liền kề cao cấp ở Hà Nội. Tuy nhiên, không ít người vẫn gặp những vướng mắc về thủ tục cho thuê.
Đáp ứng nhu cầu NNN tới làm việc, cư trú từ ngắn tới dài hạn ở ngày một gia tăng, sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, rất nhiều chủ nhà ở các đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã tìm cách thu hút lượng cầu này.
Cân nhắc tính khả thi
"Gia đình tôi có căn nhà tại đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) diện tích sử dụng gần 200m2. Sắp tới định xây lại nhà thành nhà 5, 6 tầng có thang máy và chia thành khoảng 7, 8 phòng cho NNN thuê. Quanh khu nhà tôi cũng đã có nhiều người làm khá hiệu quả từ vài năm nay, nhưng với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, không biết giá thuê nhà có xuống nữa hay không? Lượng NNN ở Việt Nam có giảm hay không?", chị Hồng, chủ căn hộ nói.
"Tôi có căn hộ chung cư trung cấp muốn cho hai người Philippines thuê. Khách liên tục giục làm thủ tục, nhưng tôi vẫn mù mờ về các bước thủ tục. Đồng thời, cũng chưa rõ về nhân thân họ, chỉ biết họ làm về kinh doanh sản phẩm chức năng, không biết cho thuê rồi có ảnh hưởng đến an ninh không", anh Hùng, chủ căn chung cư cao cấp ở khu vực đường Bưởi cho biết.
Thủ tục đăng ký ra sao, lý lịch tư pháp, nguồn gốc, xuất xứ, nghề nghiệp của NNN không xác định rõ (đặc biệt là những người du lịch theo dạng tự do), dẫn đến tình trạng như gà mắc tóc của không ít chủ nhà. Thậm chí, trường hợp NNN cùng với một người Việt Nam có quan hệ thân thuộc (vợ chồng, cha mẹ nuôi…) đi thuê nhà ở Hà Nội cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Vừa cưới một người Đức, chị Hiền cùng chồng thuê một căn hộ chung cư 130m2 ở gần khu Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), nhưng chưa đầy một tháng sau đã gặp chuyện. Dù đã có giấy kết hôn hợp pháp, chị Hiền là người đứng tên trên hợp đồng thuê nhà, nhưng khi công an phường đến kiểm tra tạm trú và yêu cầu người chồng phải ra khách sạn ở, hoặc khu nhà cho NNNT.