Dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài tại Đà Nẵng: An dân và “đẻ” ra vàng?!
Phần 2: Người đi, kẻ ở… đều yên lòng?
Nhiều lần, ông Kiều Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Hải Châu đều nhắc đi nhắc lại nội dung: Đây là một dự án mà vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa; sau đó là bố trí tái định cư (TĐC) được xếp vào dạng… nhạy cảm.
Không ngưng dự án
Trước dư luận cho rằng dự án trên sẽ bị ngưng, ông Kiều Văn Toàn khẳng định: Dự án tuyến Nguyễn Văn Linh nối dài vẫn đang được triển khai thực hiện theo đúng trình tự đầu tư, quy trình xây dựng cơ bản. Chưa hề có một văn bản, ý kiến chỉ đạo nào yêu cầu “tạm dừng dự án”.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Kiều Văn Toàn cho biết, lãnh đạo UBND TP đã có chỉ đạo “sẽ không bố trí TĐC đối với các hộ giải tỏa ở tuyến Nguyễn Văn Linh nối dài đến an cư tại địa bàn quận khác” nên UBND quận đang khảo sát lại quỹ đất TĐC hiện có ngay trên địa bàn quận Hải Châu và đã tính đến việc một hộ hiện đang kinh doanh ngay tại mặt tiền, sau này khi về một tuyến đường khác, vẫn có đủ những thuận lợi để tiếp tục công việc của họ.
Song song đó, Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng (CT), là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng các khu TĐC. Ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc CT khẳng định: Chúng tôi đã sẵn sàng mọi khâu, khi cơ quan chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng bàn giao là triển khai thi công ngay. Cụ thể khu đầu tuyến Nguyễn Văn Linh rộng khoảng 30.000m², dự kiến phân lô bố trí cho 105 hộ với tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 5,3 tỷ đồng. Đối với khu Nam Phan Đăng Lưu, giá trị đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, chừng 19.000m², dự kiến phân lô và bố trí 101 hộ.
Dân sẽ không bị thiệt
Để mở tuyến, tại địa bàn quận Hải Châu có 337 hộ nằm trong diện giải tỏa 100%. Không ít hộ hiện đang sống yên ổn, thậm chí “sống tốt” với lợi nhuận thu được từ việc cho thuê mặt bằng, kinh doanh, dịch vụ từ chính căn hộ của mình, nhất là những hộ tận dụng lợi thế hộ mặt tiền đường Phan Châu Trinh, Lê Đình Dương… là một khu vực được xếp vào loại khá phồn thịnh của Đà Nẵng.
Và ngay những hộ sống ở các đường, hẻm khác như Lê Đại Hành thì bài toán đặt ra là “dù giá trị đất ở hiện tại của người dân có mức thấp, song các hộ dân đã sống ổn định tại đó nên trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo từ đền bù đến bố trí TĐC sao cho người dân không bị thiệt thòi, cuộc sống không bị xáo trộn… ông Kiều Văn Toàn cho biết thêm như vậy.
Được biết hạ tuần tháng 4-2008 vừa qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã có phiên họp, chỉ bàn một vấn đề duy nhất: “Phương án đền bù và TĐC” cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài. Qua đó, những hộ ở vị trí hẻm nhưng mặt cắt (bề ngang) của hẻm không thua kém bao nhiêu với tuyến đường giao nhau với hẻm đó, sẽ được tính toán nâng giá đền bù hợp lý.
Tương tự, một hộ hiện ở trong hẻm nhưng khi xem xét thấy có thể vận dụng đền bù ở vị trí có lợi hơn (thay cho hẻm của đường này là hẻm của đường khác để có giá trị đất cao hơn) nhằm tăng giá trị đền bù cho nhân dân.
Giải thích cách đền bù và TĐC này, một cán bộ có trách nhiệm của dự án cho biết: Đầu tư xây dựng một căn nhà vào thời điểm này, người dân phải tốn nhiều tiền hơn, do vậy mọi sự vận dụng mà khung pháp luật cho phép, những người thực hiện dự án phải linh động. Xem đây như phần bù đắp trượt giá cho bà con.
Giá đất TĐC áp dụng cho các hộ bị giải tỏa theo chủ trương của UBNDTP là đền bù theo giá nào thì bố trí TĐC lại theo giá đó. Về nơi đến, những hộ đủ tiêu chuẩn (có bề ngang mặt tiền 4,5m trở lên, tổng diện đất sử dụng là 70m² đối với đường Phan Châu Trinh và 80m² đối với đường Lê Đình Dương) và những trường hợp đặc biệt (thiếu diện tích nhưng lại ở vị trí ngã tư) được bố trí TĐC tại chỗ.
Đại diện cơ quan tham mưu về TĐC cho biết, với chủ trương các hộ ở cùng một vị trí (trên một tuyến đường), chúng tôi, muốn thực hiện một cuộc “cách mạng” về đất ở thông qua cách: Hộ có diện tích đất bị thu hồi nhỏ vẫn được bố trí lại một lô có diện tích tốt hơn.