Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng) từng được kỳ vọng sẽ là một trong những khu đô thị hiện đại nhất ĐBSCL với quy mô trên 2.080 héc ta, dân số 120.000 người... Tuy nhiên, sau hơn bảy năm triển khai, nhiều nơi trong khu này vẫn để hoang, tốc độ đô thị hóa không đúng như mong đợi...
Đầu tháng 10-2008, UBND thành phố Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và đơn vị thi công công trình Tây Nguyên Plaza - nằm trong khu đô thị Nam Cần Thơ (KĐTNCT) - số tiền 204,5 triệu đồng do vi phạm khoảng lùi xây dựng bốn mét.
Chỉ có điều, chủ đầu tư dự án này vẫn khá yên tâm bởi phần xây dựng vi phạm vẫn được tồn tại sau khi nộp phạt chứ không phải tháo dỡ.
Điều đáng nói là vi phạm này đã bị phát hiện ngay từ khi công trình mới xây dựng được bốn tầng. Thế nhưng, qua nhiều cuộc họp, kiến nghị, bàn bạc cách thức xử lý... và đến khi có quyết định chính thức thì công trình đã được cơi lên... 14 tầng!
“Sai phạm lại chồng sai phạm”, ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng Ban quản lý KĐTNCT, cho biết. Dĩ nhiên, khi đó khó có thể buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần vi phạm do khối lượng thi công đã quá lớn!
Còn với dự án khu dân cư của Công ty TNHH Thiên Lộc, dù Ban quản lý KĐTNCT đã phát hiện sai phạm trong thi công xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật do định vị tim đường sai, dẫn đến các block nhà tái định cư thi công đều sai so với quy hoạch chung, nhưng đến nay UBND thành phố vẫn chưa có văn bản nào để chỉ đạo xử lý...
Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Tuấn Anh thừa nhận còn nhiều điều không ổn trong quá trình triển khai xây dựng KĐTNCT. Chẳng hạn, các tuyến đường nội bộ trong các khu dân cư, lẽ ra phải đồng nhất khi giao nhau để tạo cảnh quan, giao thông thông suốt cho cả khu, đằng này lại chênh lệch đến... vài mét do mỗi nhà đầu tư thi công một kiểu.
“Do không có quy định chung! Ngay cả các ống cống, cần thống nhất về tiêu chuẩn, kích cỡ để dễ đấu nối giữa các khu với nhau nhưng có khu sử dụng cống ly tâm, có khu lại thi công bằng cống đúc sẵn...”, ông Lê Hùng Cường, Phó Ban quản lý KĐTNCT, dẫn chứng.
Do đó, dù tốc độ triển khai các dự án quá chậm, nhưng với những gì đã làm được, vẫn khó hy vọng KĐTNCT sẽ là khu đô thị hoàn chỉnh, đồng nhất như thiết kế ban đầu.
Bắt đầu khởi động từ năm 2001, KĐTNCT đã có 20 nhà đầu tư được giao đất với 27 dự án, tổng diện tích 1.170,45 héc ta. Nhưng tính đến nay, toàn khu mới có hơn 1.700 căn nhà liên kế, hơn 1.420 căn nhà tái định cư, 44 biệt thự và 1 cao ốc. Ông Hoàng cho rằng, tốc độ triển khai các dự án bị chậm phần nhiều do trở ngại trong khâu giải tỏa mặt bằng.
Theo quy định, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với dân về giá, nên phần lớn người có đất luôn đưa ra giá rất cao mà nhà đầu tư không thể đáp ứng. “Có người đòi đến 3 triệu đồng/mét vuông đất ruộng”, ông Hoàng nói. Tính đến nay, mới có 15 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhưng mới có được 500 héc ta đất sạch, tương đương 42% tổng diện tích đất được giao.
Theo Ban quản lý KĐTNCT, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm xây dựng và sự yếu kém trong công tác xử lý là do cơ chế quản lý quá chồng chéo. “Đúng ra khi muốn đăng ký dự án, nhà đầu tư phải đến ban quản lý trước. Nhưng thực tế, nhiều dự án chúng tôi chỉ được mời... dự họp, bởi nhà đầu tư thường đi thẳng đến Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư...”, ông Phạm Bửu Việt, Phó Ban quản lý KĐTNCT, nói.
Một số dự án, việc quản lý kiến trúc được giao cho UBND quận Cái Răng chứ không đề cập gì đến Ban quản lý KĐTNCT. Quy hoạch, thiết kế ban đầu không được can thiệp, nhưng đến khi phát hiện có sai phạm thì ban quản lý cũng chỉ có thể làm nhiệm vụ... báo cáo lại do không có quyền chế tài.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Ông Cường dẫn chứng, có dự án xin điều chỉnh quy hoạch 2 - 3 lần, nhưng có khi nhà đầu tư đã cầm trên tay văn bản chấp thuận điều chỉnh từ Sở Xây dựng... mà ban quản lý vẫn chưa hề biết.
Chính vì thế, trước mắt cần xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Ban quản lý KĐTNCT để tránh sự chồng chéo với các sở chuyên ngành khác, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tại khu đô thị này.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG