Top

Nghịch lý nhà ở 134...

Cập nhật 15/07/2009 16:05

Tại huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, gia đình ông Hồ Văn Đoát ở thôn 6 là một trong những hộ được hỗ trợ nhà theo chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn về nhà ở, thế nhưng, từ khi căn nhà xây xong, gia đình ông vẫn chưa về ở ngày nào...

Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn là một quyết sách đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với sự ổn định đời sống của đồng bào dân tộc. Để mục tiêu của chủ trương này đạt được hiệu quả, điều đó phụ thuộc vào việc vận dụng nguồn hỗ trợ của từng địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định 134 ở một số địa phương vẫn còn hết sức cứng nhắc, hiệu quả không cao.

Ông Hồ Văn Đoát, Thôn 6, xã Sông Trà, Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết: “Thấy nhà rung rinh không dám ở. Khu dân cư không ổn định, có gió là rùng rình, nhà toác hết. Nhà nhỏ quá, nóng không ở được”.

Bên cạnh những căn nhà bỏ hoang là những nhà sàn mọc lên san sát. Cũng cùng lý do như ông Hồ Văn Đoát, diện tích nhà quá nhỏ: 10m2 cho một hộ gia đình từ 5 đến 7 người, nóng và không quen sống ở nhà xi măng mặt bằng với đất là nguyên nhân dẫn tới những căn nhà này bị bỏ hoang.

Ông Lê Dần, Chủ tịch UBND xã Sông Trà, Hiệp Đức (Quảng Nam) cho rằng: “Nhà nước hỗ trợ chương trình 134 là 6 triệu đồng. Năm 2005 thì 6 triệu có thể làm được, nhưng 2006-2008 giá vật liệu xây dựng quá cao, không có kinh phí bỏ ra làm thêm nên chỉ xây được như vậy thôi...”

Phần lớn những hộ đồng bào dân tộc được xét cấp nhà là những hộ đặc biệt khó khăn. Vì vậy, người dân chỉ xây nhà trong nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương là làm sao để sử dụng nguồn hỗ trợ đạt được hiệu quả.

Ông Đào Bùi Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức (Quảng Nam): “Phong tục của họ chưa quen với nền đất, mà lập nhà sàn thì có mức giá lớn hơn chứ 6 tiệu thì không làm được. Nếu xây phải mất 15-20 triệu đồng mới lập được nhà sàn. Tôi nghĩ, chúng ta hãy vận động người dân thực sự vào cuộc thì mình mới hỗ trợ, không thì hỗ trợ cho cộng đồng, làm trường, làm đường, phục vụ dân sinh…”

Hiện xã Sông Trà vẫn còn một số căn nhà chưa hoàn thiện, nghịch lý ở đây là, người có nhà thì không “chịu” vào ở, trong khi những người muốn ở thì nhà lại xây chưa xong. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều huyện miền núi được thụ hưởng chính sách này.

 

DiaOcOnline.vn - Theo VTV