Top

Năm tỷ USD xây sân bay Nội Bài 2: Quốc hội quyết!

Cập nhật 02/06/2016 14:37

TS Phạm Sanh khẳng định việc đầu tư xây dựng thêm sân bay Nội Bài 2 vào thời điểm này là hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai.

Xây mới là cần thiết

Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh vừa tiết lộ với báo chí về kế hoạch xây dựng sân bay Nội Bài 2 với công suất thiết kế 25 triệu hành khách (HK)/năm.

Theo đó, việc mở rộng sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay với diện tích 720 ha thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính của “Nội Bài 2” (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông khẳng định việc lên kế hoạch xây dựng sân bay mới vào thời điểm này là phù hợp với tình hình trong nước cũng như dự báo của quốc tế.


TS Phạm Sanh khẳng định việc đầu tư xây dựng thêm sân bay Nội Bài 2 vào thời điểm này là hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai.

“Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã có các báo cáo đánh giá và dự báo nhiều năm về trước, Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ gia tăng nhu cầu HK sử dụng phương tiện máy bay đi lại cao nhất thế giới, cứ 10 năm con số HK lại tăng lên gấp đôi. Con số HK thực tế tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong những năm gần đây đã minh chứng phần nào nhận định này.

Kế hoạch mở rộng, nâng công suất của sân bay Nội Bài tương đối cấp bách. Theo tôi, có trách nhiệm của Lãnh đạo ngành hàng không Việt Nam trong công tác tham mưu và theo dỏi kiểm soát chiến lược phát triển ngành”, TS Sanh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, về mặt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chúng ta đang có hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch 590-2008 về Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020, định hướng sau năm 2020 và quy hoạch 519-2016 về quy hoạch giao thông vận tải thủ độ Hà Nội đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030.

“Cả hai quy hoạch đều có vẻ “lạc hậu” về số lượng hành khách qua sân bay. Quy hoạch 590, đến năm 2020 phục vụ 20 đến 25 triệu HK/năm, sau năm 2020 phục vụ 25 đến 50 triệu HK/năm.

Quy hoạch 519, đến năm 2020 phục vụ 20 đến 25 triệu HK/năm, đến năm 2030 phục vụ 35 triệu HK/năm, đến năm 2050 phục vụ 50 triệu HK/năm. Nhưng theo ý kiến, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, đến năm 2019 đã là 25 triệu HK và đến 2030 lên đến 50 triệu HK.

Và với vị trí mở rộng sân bay, ngành hàng không cũng đã đề nghị thay vì phát triển về phía Nam (theo quy hoạch được duyệt) sẽ phát triển lên phía Bắc. Chưa kể vốn đầu tư cũng đã thay đổi, tăng cao so với quy hoạch ban đầu (5,5 tỷ USD so với dưới 2 tỷ USD theo quy hoạch).

Như vậy kế hoạch xây dựng sân bay Nội Bài 2 của Cục Hàng không là căn cứ vào nhu cầu hành khách thực tế và dự báo tỷ lệ phát triển của sân bay Nội Bài”, TS Sanh phân tích.

Đầu tư trọng điểm, không dàn trải

Dù đồng tình với việc xây dựng thêm sân bay Nội Bài 2 nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách trong tương lai gần, nhưng TS Sanh thừa nhận rằng công tác dự báo trong lĩnh vực hàng không hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề chưa hợp lý.

“Nếu đặt vấn đề tại sao nhà ga T2 mới đi vào hoạt động cuối năm 2014 được đánh giá là hiện đại, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của hành khách mà nay lại tính việc xây dựng thêm sân bay Nội Bài 2, thì đã có ngay câu trả lời, do chất lượng công tác dự báo và trách nhiệm của Bộ GTVT cũng như ngành hàng không Việt Nam không kịp thời trong việc nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ  điều chỉnh quy hoạch”, TS Sanh thắng thắn.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng đầu tư một cách dàn trải, không tập trung trọng điểm trong lĩnh vực hàng không dẫn đến nhiều sân bay được xây dựng nhưng khi đưa vào hoạt động thì không sử dụng hết công suất, dẫn đến lãng phí, thua lỗ.

“Ngành hàng không Việt Nam đang có một quy hoạch “khủng” với 26 sân bay trên cả nước đến năm 2020. Mới đây, khánh thành sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trong lúc đi từ Hà Nội đến Hải Phòng bằng đường cao tốc chỉ mất một giờ đồng hồ. Ngoài ra, ngành hàng không cũng đang có kế hoạch xây dựng 3 sân bay vùng Tây Bắc là Nà Sản, Lai Châu và Lào Cai, tổng mức đầu tư  khoảng 10.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1.

Theo tôi, đầu tư mở rộng 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hết sức cần thiết. Đúng ra phải tập trung nghiên cứu đầu tư cho 2 sân bay này nhiều hơn sớm hơn, thay vì dàn trải nhiều sân bay chưa cần thiết trên khắp cả nước.

Riêng sân bay Nội Bài 2, nếu có thể, ngành hàng không nên nghiên cứu so sánh thêm một vài địa điểm khác xung quanh Hà Nội, để có điều kiện mở rộng quy mô trên 50 triệu HK và tổ chức giao thông nối kết trung tâm tốt hơn”, TS Sanh khẳng định.

Theo TS Sanh, để tránh lãng phí, các Bộ, ngành cần phải nghiên cứu kỹ càng, làm việc có trách nhiệm và tuân theo đúng trình tự thủ tục.

“Bộ GTVT cần báo cáo Chính phủ các mục tiêu, kết quả và các giải pháp huy động vốn cho dự án.

Thông qua Quốc Hội xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo luật Đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành. Nên hợp đồng các Tư vấn nước ngoài có năng lực kinh nghiệm để lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổ chức đánh giá lựa chọn nhà thầu, kiểm soát chi phí…

Song song đó là thành lập một ban quản lý dự án chuyên ngành vô cùng chuyên nghệp, biết quản lý và có đạo đức nghề nghiệp, không để xảy ra các hiện tượng có vấn đề về lãng phí tiêu cực như các dự án đường sắt Hà Nội vừa rồi”, TS Sanh nêu giải pháp.

Mức đầu tư trên 5 tỷ USD phải báo cáo Quốc hội

Trao đổi với Đất Việt chiều 1/6, ông Trần Du Lịch – ĐBQH TP.HCM cho biết, mới đọc được thông tin về kế hoạch xây dựng sân bay Nội Bài 2 trên báo chí.

“Về nguyên tắc, mở rộng các sân bay khi dự báo quá tải thì Bộ GTVT có trách nhiệm đưa ra 1 lộ trình, kế hoạch và nếu như việc đó nằm trong lộ trình, dự kiến để giải quyết tình trạng quá tải thì tôi nghĩ rằng việc xây dựng sân bay mới đương nhiên phải làm.

Nhưng mà hiện nay trong điều kiện nợ công, đầu tư công vẫn còn khó khăn, tôi nghĩ rằng Bộ GTVT nên đưa ra những thông tin đầy đủ hơn để cho người dân nắm rõ, ví dụ như khi nào tình trạng sân bay Nội Bài quá tải, dựa trên thiết kế trước đây và dự kiến quá tải thế nào, nhu cầu khách hành và cuối cùng là mở rộng sân bay Nội Bài thì hình thức xây dựng thế nào, vốn nhà nước hay hình thức đối tác công tư, huy động nguồn lực” ông Lịch nhấn mạnh.

Trước thông tin quy mô dự án lên tới hơn 5 tỷ USD bao gồm tiền giải phóng mặt bằng, đền bù, xây dựng khu tái định cư và xây dựng các hạng mục chính của “Nội Bài 2”, ông Lịch cho rằng dự án phải được mang ra Quốc hội để bàn bạc như sân bay Long Thành trước đây.

“Nếu mà nguồn vốn trên 5 tỷ USD thì theo luật hiện nay là phải đưa ra Quốc hội thảo luận. Quyết định cuối cùng là Quốc hội, sau đó mới tính đến đầu tư”, ông Lịch nhấn mạnh thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt