Tại kỳ họp, HĐND TP.Hà Nội, các vấn đề liên quan đến chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030; diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội đã được các đại biểu tập trung thảo luận. Đây là những vấn đề “nóng” được cử tri đặc biệt quan tâm.
Mật độ dân số trong nội thành Hà Nội đang quá tải, ảnh hưởng tới công tác quản lý dân cư. Ảnh: L.Q.V
|
Tăng diện tích ở cho người dân
Thảo luận về chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, nhiều đại biểu cho rằng chương trình cần một số nội dung để tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn thực hiện. Theo đại biểu Nguyễn Xuân Diên, hiện Hà Nội còn tồn khoảng 56.000 nhà ở tái định cư, trong khi đó, chương trình lại đặt ra chỉ tiêu xây dựng một khối lượng lớn nhà ở loại này từ nay đến năm 2015 là không phù hợp.
Nhất là thời gian sắp tới, khi Nhà nước thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất theo giá thị trường, thì những người trong diện bị thu hồi đất có nhất thiết cần ở nhà tái định cư hay không, khi họ có quyền và có nhiều sự lựa chọn? Còn đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị cần hoàn thiện các quy định để việc xây nhà, cải tạo lại nhà của người dân phải tuân thủ theo quy trình, quy định, tránh để nhà mặt phố xấu xí, không hợp tuân thủ quy hoạch.
Các đại biểu đã thông qua chương trình với tiêu chí đến năm 2015 là diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,1m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu là 6,5m2/người), trong đó khu vực đô thị là 26,6m2/người, khu vực nông thôn là 20m2/người; diện tích nhà ở khoảng 166.320.000m2; nâng tỉ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố Hà Nội lên 89,7%, giảm tỉ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%. Đồng thời, dự kiến thực hiện khoảng 600.000m2 nhà ở, đáp ứng 100.000 chỗ ở cho sinh viên; thực hiện 1.500.000m2 nhà ở đáp ứng 230.000 chỗ ở cho công nhân; thực hiện khoảng 1.100.000m2 nhà ở đáp ứng 15.500 căn hộ cho người có thu nhập thấp mua, thuê và thuê mua...
Đến năm 2020, TP.Hà Nội phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,5m2), trong đó khu vực đô thị là 28,7m2/người, khu vực nông thôn 22,7m2/người; diện tích nhà ở khoảng 207.375.000m2; nâng tỉ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 91,2%; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà ở đơn sơ.
Diện tích ở 15m2/người mới được đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết “Quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP.Hà Nội”, với đa số phiếu tán thành. Đây là nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô. Theo đó, diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở Hà Nội đến hết năm 2015 là 15m2 sàn/người. Ngoài ra, công dân phải đáp ứng điều kiện đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên.
Từ sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế, UBND TP sẽ trình HĐND TP điều chỉnh tăng diện tích ở bình quân nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội cho phù hợp với từng thời kỳ. Trong đó, 10 quận ở Hà Nội nằm trong phạm vi áp dụng của Nghị quyết gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy và các quận mới được thành lập (nếu có sau này).
Đặc biệt, UBND TP còn hướng tới mục tiêu quản lý dân cư theo mật độ, phân bố dân cư của quy hoạch xây dựng thủ đô nhằm hạn chế di dân tự phát vào khu vực nội thành Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động