Nếu không có gì thay đổi, năm Kỷ Sửu 2009 sẽ là một năm mà ngành công chính thành phố phải bận rộn nhiều với hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng.
Theo kế hoạch vừa được Khối Quản lý giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM công bố cuối tháng 12-2008 vừa qua, có ít nhất 36.000 tỷ đồng được trích ra từ ngân sách thành phố trong năm 2009 và từ nhiều nguồn vốn khác để hình thành nguồn quỹ triển khai đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn, trong đó có khá nhiều công trình quy mô lớn hoặc những dự án đặc biệt.
Nói một cách chính xác, sẽ có 37 công trình được lên lịch khởi công xây dựng trong năm con trâu. Đa phần trong số đó rất đặc biệt. Đặc biệt vì quy mô tầm cỡ, điển hình là dự án xây dựng tuyến Metro số 1, được người dân thành phố quen gọi là tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tổng vốn đầu tư đến hơn 1 tỷ USD.
Cũng có thể vì đã bị đình đi hoãn lại rất nhiều lần suốt thời gian dài, mà tựu trung do vướng mắc trong các khâu thủ tục, quy chuẩn, như trường hợp dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám – quận 1; sang năm 2009, dự án này sẽ được khai thông bế tắc để chuyển sang giai đoạn thi công.
Nếu mọi sự xuôi chèo mát mái thì trong năm 2009, người dân thành phố cũng sẽ được chứng kiến lễ khởi công xây dựng nhiều cây cầu lớn, giữ vai trò giao thông huyết mạch và có vai trò quan trọng về kích thích phát triển kinh tế, điển hình là các dự án cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc…
Trong danh mục “xuất quân” năm tới còn có các công trình mở rộng quốc lộ 13, mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng mới đường Liên cảng A5 – một công trình vốn dĩ gây xôn xao dư luận thành phố một thời vì nghi vấn rút ruột công trình...
Tại hội nghị tổng kết khối giao thông đường bộ diễn ra cuối năm 2008, ông Bùi Xuân Cường - Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra nhận xét đáng chú ý (mặc dù không mới) là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn là nguyên nhân hàng đầu và phổ biến. Hậu quả là nhiều công trình hạ tầng giao thông buộc phải vang lên điệp khúc “chậm tiến độ thi công”.
Các dự án “tiêu biểu” trong nhóm này có thể kể là nút giao thông Gò Dưa, hầm vượt Trường Sơn, mở rộng đường Lê Trọng Tấn, Phạm Văn Bạch, tỉnh lộ 15... Các công trình này đều có chung tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, thậm chí nhiều công trình phải ngưng thi công vì chờ mặt bằng, một số khác lại có nguy cơ không thể khởi công đúng lịch trình chỉ vì mặt bằng chưa được giải phóng.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, cũng có những trường hợp chỉ vì năng lực tài chính, hoặc do quản lý yếu kém của chính chủ đầu tư. Không chỉ nhiều nhà thầu thi công gặp phải khó khăn về tài chính, có những đơn vị đảm nhiệm trọng trách tư vấn thiết kế và giám sát nhưng năng lực hạn chế và cả trình độ lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đầu tư cũng chưa đủ “tầm”. Vì vậy, tất yếu dẫn tới việc không theo kịp yêu cầu điều hành, quản lý. Chả trách sao guồng quay không suôn sẻ như trên… giấy.
Đặc biệt, trong một năm có nhiều sóng gió, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn mang tính khách quan. Làm sao trách cứ được ai khi tình trạng giá cả vật tư nguyên liệu biến động nhiều lần trong năm 2008, khiến công tác thi công chậm trễ bởi phải duyệt lại dự toán, điều chỉnh dự toán, bù giá chênh lệch... Nhiều công trình phải điều chỉnh giá gói thầu, phải tổ chức đấu thầu đi đấu thầu lại nhiều lần, hoặc lắm khi không chọn được nhà thầu, vì các nhà thầu “chạy mất dép” trước những xáo trộn như thế.
Trưởng phòng Quản lý giao thông Bùi Xuân Cường cũng cho biết thêm rằng trong năm qua, Chính phủ có chính sách bù giá chênh lệch do giá vật liệu tăng cao, nhưng đến nay giá vật liệu đã có xu hướng giảm nhiều, nên để tránh thất thoát ngân sách, rất nhiều khả năng sắp tới Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách bù giá.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng