Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 1999-2011, Việt Nam có thêm 126 khu đô thị mới, nâng tổng số đô thị trong cả nước lên 755 khu. Trung bình mỗi tháng cả nước xuất hiện thêm một khu đô thị mới!
Việc ồ ạt đầu tư vào các dự án bất động sản đã biến cả nước thành một “đại công trường” xây dựng nhà ở. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chịu áp lực về tăng dân số đô thị. Trong 10 năm qua, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người tăng lên 26 triệu người, kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông...
Số lượng khu đô thị mới nhiều nhất vẫn tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Có những khu đô thị nằm trong quy hoạch, nhưng có những khu đô thị nằm ngoài quy hoạch. Ở các tỉnh, doanh nghiệp đổ xô đến xin đất, chủ yếu là đất ruộng, vì không phải tốn tiền nhiều trong việc giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương thì muốn GDP tăng, nguồn thu ngân sách tăng... nên cấp đất “thoải mái” trong khi quy hoạch chung chưa có, dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều khu đô thị mới tự phát với số vốn đầu tư đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi dự án.
Trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay làm sao các doanh nghiệp có đủ tiền để thực hiện một phần nhỏ số lượng dự án đăng ký? Hệ quả là nhiều khu đô thị quy hoạch rồi... để đó, để đất bỏ hoang và các doanh nghiệp đầu tư dường như chỉ muốn chiếm đất để “chờ thời” vì nhiều khu không kết nối với hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng.
Tình trạng khu đô thị mọc tràn lan hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý và chính sách vĩ mô, trong đó Bộ Xây dựng là đơn vị chịu trách nhiệm chính vì là đơn vị được giao nhiệm vụ phát triển và quản lý đô thị. Luật Đô thị cũng đang được soạn thảo, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Nhưng cho dù được phê chuẩn thì luật cũng đứng trước “sự đã rồi”.
Cái chính là Nhà nước đã không quy hoạch được tổng thể phát triển đô thị trong cả nước và kiên quyết buộc các địa phương áp dụng theo quy hoạch đó. Và ngay cả những địa phương đã quy hoạch được các khu đô thị mới cũng không quản lý đúng việc xây dựng theo quy hoạch. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, nhưng với tình trạng bát nháo trong việc phát triển đô thị vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay thì bộ mặt Thủ đô Hà Nội mai này sẽ ra sao?
Trong chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta chưa có cơ chế thực sự khuyến khích phát triển sản xuất. Trong thời gian qua, lợi nhuận của các ngành phi sản xuất cao hơn lợi nhuận thu được từ các ngành sản xuất khiến các doanh nghiệp đổ xô vào các dự án bất động sản. Nhưng thời kỳ đó đã qua rồi, với lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng như hiện nay, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước sẽ còn nhiều khu đô thị bỏ hoang hoặc xây dựng “lóm thóm” vì đói vốn.
Vốn liếng của các doanh nghiệp nhà nước (trong đó có phần đóng thuế của dân) và các doanh nghiệp tư nhân bị “chôn” vào các khu đô thị suy cho cùng cũng là vốn của toàn xã hội. Số vốn đó “đóng băng” hay “bốc hơi” phải chăng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý, điều hành quy hoạch phát triển đô thị?
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG