Theo thông lệ, tháng 7 âm lịch đã về cũng là lúc giao dịch, mua bán nhà đất nói riêng rơi vào bất động. Nhưng khác với các năm trước, dân môi giới tại Hà Nội và Hải Phòng năm nay đón tháng “cô hồn” trong tâm trạng không có gì phấn khởi, bởi trước đó, “cơn sóng thần”, “bão”, “đóng băng” trên thị trường đã kéo dài suốt nhiều tháng trời khiến việc làm ăn mặc nhiên đã đón “tháng 7 âm” từ khi nào.
Sau hàng loạt thông tin trên báo chí thời điểm đầu quý II/2010 nói về việc sốt đất cục bộ ở một số huyện của Hải Phòng, kèm theo giá tại khu vực nội thành cũng tăng trung bình 15% do các thông tin quy hoạch, cải tạo, mở rộng đường sá thì thị trường bắt đầu đi xuống, việc “kiếm ăn” ở văn phòng môi giới của ông Hội trên đường Hàng Kênh (quận Lê Chân) dần chật vật.
Thời điểm tháng 5-6 dương lịch - trùng với đợt nắng nóng khủng khiếp, hầu như ngày nào ông Hội cũng rong ruổi trên các tuyến đường dẫn khách, da dẻ sạm đen, điện thoại luôn nóng máy mà kết quả chẳng thu được gì. Mệt mỏi, hết kiên nhẫn, ông đóng cửa văn phòng, sơ tán về nhà nghỉ ngơi tránh nóng. Thay vì thái độ khẩn khoản, nhiệt tình mọi khi, khách gọi điện đến nhờ dẫn đi xem đất lúc này, ông sẵn sàng từ chối hoặc trì hoãn: “để chiều mát hẵng đi”.
Tình cảnh hờ hững cũng diễn ra tại văn phòng môi giới của ông Hữu Tuyển trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội. Gọi điện cho ông đầu giờ chiều những ngày này, khách nhận được lời hẹn thẳng thừng: “15h gọi lại vì đang bận nghỉ trưa, lúc đó mới ra trực ở văn phòng”.
Đợt nắng nóng vừa rồi, văn phòng của ông Tuyển cũng đóng cửa liên miên. Nhưng ông vẫn kiên quyết cho rằng cái chính không phải do ông ngại khổ vì thời tiết khắc nghiệt mà vì thị trường quá trầm lắng.
“Giao dịch ước phải giảm đi 90% so với các tháng đầu quý II/2010. Dù vất vả trầy trật nhưng hai tháng liền chưa thực hiện được một hợp đồng nào. Nghề của mình như đi câu, nắng nóng quá thì ngồi trong nhà quạt cho mát, còn có khách, cảm thấy có miếng ăn thì dù bất cứ đâu mình cũng đi được” – ông Tuyển phân trần.
Các văn phòng môi giới nhà đất tại các khu vực mà mấy tháng trước đây còn trong tâm điểm sốt nóng như Mỹ Đình (Từ Liêm), Gia Lâm... hiện giờ cũng “lạnh băng” vì không có khách, cửa khoá im ỉm.
Được hỏi về tình hình hiện tại, ông Hoàng Văn Hùng – chủ một văn phòng lâu năm thuộc quận Long Biên hài hước: “các văn phòng muốn đi nghỉ mát mà không có tiền đây. Giờ đóng cửa hết rồi, chỉ tiếp khách qua điện thoại thôi”.
Thời điểm tháng 6-7 hằng năm - mùa thi đại học, cao đẳng, theo ông Hùng thị trường bao giờ cũng ấm lên do nhu cầu mua nhà đất tại Hà Nội của người dân ngoại tỉnh thường tăng cao. Riêng cùng kỳ năm ngoái, ông Hùng cũng có vài giao dịch thành công. Vậy mà năm nay tình hình lại “lặng” hẳn.
Do mấy tháng trời không có thu nhập nên ông đã cho các nhân viên tạm thời nghỉ việc. Bản thân ông, nhờ còn có lương hưu và một số thu nhập phụ khác, đồng thời văn phòng lại không phải mất tiền thuê nhà nên cũng rủng rỉnh hơn, do vậy đợt này, ông bỏ ra chục ngày tranh thủ đi xuyên Việt thăm lại bạn bè đồng đội nhân dịp 27/7.
Giảm giá vẫn “tắt ngấm”
Không chỉ đất thổ cư, đất dịch vụ, mà đất thổ canh tại các xã xung quanh trục đường Láng Hòa Lạc cũng đang giảm giá vài triệu đồng/m2 so với cách đây ít lâu - Ảnh: N.N |
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet