30 km đường bộ cao tốc đầu tuyến là Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được xây dựng xong. |
Báo cáo cuối kỳ về quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho biết, đến năm 2020, sẽ cơ bản nối thông những đoạn quan trọng của tuyến đường này.
Theo thiết kế, dự án đường ôtô cao tốc Bắc-Nam có tổng chiều dài 1.811km, với điểm đầu là nút giao Pháp Vân, điểm cuối là nút giao Chà Và ở phía Bắc của dự án cầu Cần Thơ.
Sẽ có 16 đoạn tuyến
Trong báo cáo về cuối kỳ quy hoạch chi tiết đường ôtô cao tốc Bắc - Nam, vừa được Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khuyến nghị nên chia tuyến đường thành 16 đoạn (tương đương với 16 dự án thành phần) và phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2010) sẽ đầu tư 4 đoạn tuyến dài 222 km với tổng mức đầu tư 53.135 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến 2020) sẽ đầu tư 8 đoạn tuyến dài 1.082 km với tổng vốn đầu tư khoảng 185.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 (sau năm 2020) sẽ đầu tư 2 đoạn tuyến dài 507 km và mở rộng thêm đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 4 làn xe lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 74.600 tỷ đồng.
Ngoài 30 km đường bộ cao tốc đầu tuyến đã được xây dựng xong là (Pháp Vân - Cầu Giẽ), đang có 2 đoạn tuyến là: Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, Bến Lức - Trung Lương dài 37 km đang trong giai đoạn xây dựng; 13 đoạn tuyến còn lại đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và nhà đầu tư. Tính tổng cộng, kinh phí để xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ vào khoảng 312.862 tỷ đồng.
Hiện nay, do tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải sau năm 2036 mới có thể đưa vào khai thác nên tuyến đường bộ cao tốc này sẽ là huyết mạch quan trọng trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách từ Bắc tới Nam và các đoạn tuyến. Chính vì vậy, mặc dù có suất đầu tư lên tới 173 tỷ đồng/km, thời gian hoàn vốn kéo dài, các dự án xây dựng đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam vẫn thu hút sự quan tâm, đặc biệt của các nhà đầu tư.
Theo ông Mai Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Báo cáo đã cung cấp những hình dung cơ bản nhất về trục đường bộ cao tốc được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Đồng thời cũng chỉ ra được trình tự ưu tiên đầu tư, cơ chế, chính sách và các phương án thực hiện để giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin về một trong những cơ hội đầu tư tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Hiện nay, tất cả các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kể trên đều nằm trong danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT của ngành giao thông vận tải và danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010. Điều này có nghĩa là, Bộ Giao thông Vận tải đã “mở cửa” cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dưới các hình thức: BOT, BT, BOO, PPP...
Tuy nhiên, tại một số ít đoạn tuyến do tính chất cấp bách, Nhà nước sẽ phải bỏ vốn ngân sách để đầu tư (như đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi), Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư vào dự án đường ôtô cao tốc Bắc - Nam với phương châm hạn chế tối đa sự tham gia trực tiếp về vốn của Nhà nước.
Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư
Theo các chuyên gia, trong số 12 đoạn tuyến mà TEDI khuyến nghị đầu tư từ nay đến năm 2020, thực chất chỉ có khoảng 8 đoạn tuyến với lưu lượng phương tiện vào năm 2020 khoảng 40.000 phương tiện quy đổi/ngày đêm, là có tính khả thi tài chính tương đối. Bởi lẽ, ngoài nguồn thu phí, các nhà đầu tư vẫn cần sự hỗ trợ lớn của Nhà nước về lãi suất, đất đai để có thể hoàn vốn dự án.
Trong số này, 2 đoạn tuyến đang trong giai đoạn xây dựng; 3 đoạn tuyến là Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Cần Thơ, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xác định được nguồn vốn, dự định khởi công chậm nhất là vào giữa năm 2009. Ngay cả 4 đoạn tuyến còn lại là Ninh Bình - Thanh Hóa; Thanh Hóa - Vinh; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Nha Trang đều đã nhận được đề xuất xin đầu tư của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Bitexco; Tổng công ty Sông Đà.
Tuy nhiên, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại tuyến cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn ngắn hạn vẫn còn rất lớn. Với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng cho mỗi đoạn tuyến, thời gian huy động vốn kéo dài từ 20 đến 40 năm, các doanh nghiệp hiện được giao lập đề xuất dự án chỉ đóng vai trò đầu mối để kêu gọi vốn đầu tư dưới hình thức thành lập công ty cổ phần BOT.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy