Trái ngược với cảnh "kẻ săn, người đón" tại khu vực trung tâm, mặt bằng bán lẻ tại các quận lân cận TP.HCM lại "giảm nhiệt".
Nhiều tòa nhà tại quận 2 vẫn trống cần tìm khách thuê |
Mỏi mắt tìm khách thuê
Tại khu vực An Phú, quận 2, ngoài đế thương mại tại tòa nhà Daewon Cantavil (giai đoạn 2) đã được Parkson và Lotte Cinema "thầu" thì một số tòa nhà lân cận vẫn đang trong giai đoạn tìm khách thuê. Thị trường căn hộ đóng băng khiến tỷ lệ lấp đầy tại các chung cư thấp. Chính điều này đã tác động mạnh đến quyết định của nhà đầu tư dịch vụ, bán lẻ.
Cụ thể như trường hợp của khu căn hộ Imperia An Phú (hiện đang bàn giao căn hộ). Vào tháng 8/2011, Knight Frank Việt Nam được bổ nhiệm làm đơn vị đại diện tiếp thị phần diện tích thương mại ở Imperia An Phú (4.230m2, bao gồm: siêu thị, trung tâm tiệc cưới, spa...) nhưng tính đến cuối tháng 11/2012, theo thông tin từ Knight Frank, họ vẫn đang trong tiến trình thương lượng với 5 khách thuê.
Tuy nhiên, phía Knight Frank không tiết lộ giá cho thuê vì điều này sẽ tùy thuộc vào diện tích, thời gian thuê và hình thức thanh toán từ phía khách thuê.
Đối diện với khu Daewon Cantavil và Imperia An Phú (thuộc khu đô thị City Horse 87ha), khu căn hộ The Vista sau hơn một năm bàn giao nhà cho khách hàng, đến nay, bên cạnh khu siêu thị Central Mart (khai trương trong tháng 12 này), diện tích thương mại vẫn còn khá nhiều lựa chọn cho khách thuê.
Không chỉ các khu đô thị mới ở quận 2, các mặt bằng phố thương mại ở quận 7 cũng không dễ dàng trong việc tìm khách thuê. Trên thực tế, không phải đến thời điểm này mà kể từ đầu năm 2009 đã xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh đóng cửa và treo bảng "cho thuê”.
Trước đây, việc tìm mặt bằng mở cửa hàng thời trang hoặc ăn uống tại khu đô thị mới này không phải là chuyện đơn giản. Hiện, những khách hàng có nhu cầu không khó để tìm được mặt bằng với giá cả ưng ý tại các khu phố như Sky Garden, Panorama, Mỹ Toàn (thuộc Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) hay khu biệt thự kinh doanh Ngân Long trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè (giáp quận 7, thuộc khu Dragon City của Công ty Địa ốc Phú Long).
Theo tìm hiểu, để dễ cho thuê, nhiều gia chủ đã "chẻ nhỏ” mặt bằng nhằm đáp ứng nhu cầu khách thuê. Cụ thể như tại khu Sky Garden, một số khách đã thuê diện tích thương mại trên 100m2, sau đó chia nhỏ mỗi khu shop hoặc văn phòng có diện tích từ 16 - 20m2 cho người khác thuê lại với mức giá khoảng 600 USD/tháng. Đây là mức giá không dễ kiếm được ở thời điểm đầu năm 2008.
Nhận xét về tình hình cho thuê mặt bằng bán lẻ, ông Trương An Dương, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, thị trường bán lẻ toàn TP.HCM đang chứng kiến sức mua giảm sút trong năm 2012 do bị ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế vĩ mô, người tiêu dùng trong thời gian này đang có khuynh hướng tiết kiệm nhiều hơn nên doanh nghiệp cũng e ngại chuyện mở rộng kinh doanh.
Các trung tâm thương mại xa khu vực trung tâm đang hứng chịu khó khăn này nhiều hơn các khu vực trong trung tâm thành phố trong việc giữ chân cũng như thu hút các nhà bán lẻ đến thuê mặt bằng.
Trông vào trung hạn
Theo Savills Việt Nam, nếu so sánh quý III với quý II/2012, giá thuê và công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm có mức tăng nhẹ, nhưng ngoại thành lại giảm.
Cụ thể, khu vực các quận ngoại thành đã giảm 6% về giá thuê và 1% về công suất cho thuê. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi mà các dấu hiệu của sức mua hồi phục chưa rõ ràng.
Không chỉ khó tìm khách thuê, các loại hình mặt bằng bán lẻ ở khu vực ngoại thành cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa phố thương mại truyền thống và các trung tâm mua sắm tập trung.
Đại diện Savills cho biết, các trung tâm thương mại hiện đại, với sự kết hợp giữa mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực đang thu hút người tiêu dùng trẻ tại TP.HCM. Hơn nữa, các chiến dịch khuyến mãi kích thích tiêu dùng ở các trung tâm thương mại hiện đại đã tác động đến sức hút của loại hình này mạnh hơn so với mô hình bán lẻ nhà phố.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc giá và công suất thuê sẽ trở nên ảm đạm trong trung hạn. Bởi, nếu tính trên đầu người thì TP.HCM mới chỉ có khoảng 0,09m2/người cho mặt bằng bán lẻ hiện đại, trong khi đó các thành phố khác trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Bangkok (Thái Lan), con số này đã đạt đến khoảng 0,6 - 0,8 m2/người.
Riêng các trung tâm thương mại xa trung tâm thành phố trong thời gian tới sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các siêu thị, riêng ở các khu có mật độ dân cư cao sẽ là điểm đến của các cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó, phần đế thương mại bên dưới các khu chung cư ở xa trung tâm thành phố chỉ có thể thu hút được các nhà bán lẻ và kinh doanh dịch vụ khi tỷ lệ lấp đầy căn hộ được cải thiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn