Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực từ ngày 1 - 1 - 2007, thế nhưng thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân muốn xin giấy phép để tham gia hoạt động kinh doanh nhà, đất đều bị cơ quan chức năng từ chối. Lý do được đưa ra là chưa có nghị định hướng dẫn.
Ngưng cấp giấy phép mới
Trong vài tuần qua, một số nhà đầu tư đã ngỡ ngàng trước việc Phòng Đăng ký kinh doanh sở Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) TP.HCM thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ đăng ký ngành nghề kinh doanh BĐS. Gặp chúng tôi tại Phòng cấp phép kinh doanh sở KH – ĐT, anh Nguyễn Hoàng, (quận 3 – TP.HCM) phàn nàn: Khi nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập doanh nghiệp với nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh BĐS, cán bộ ở phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị nếu loại bỏ ngành nghề trên ra khỏi hồ sơ sẽ được cấp phép theo đúng hẹn, còn để lại thì không biết bao lâu vì phải chờ hướng dẫn mới.
Việc tạm ngưng cấp phép ngành nghề kinh doanh BĐS làm ảnh hưởng đến khá nhiều doanh nghiệp trong việc tham gia lĩnh vực BĐS. Bởi theo thống kê của sở KH – ĐT TP, bình quân mỗi tháng có 263 doanh nghiệp đăng ký mới hoặc đăng ký bổ sung lĩnh vực này.
Sợ sai luật
Một lãnh đạo Sở KH – ĐT, phân trần: “Biết tạm ngưng một thời gian là khó cho người có nhu cầu, nhưng nếu chúng tôi tiếp tục cấp phép mới là sai luật”. Theo vị lãnh đạo này, vướng mắc chính nằm ở điều 8 của Luật Kinh doanh BĐS: “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp Luật”. “Mức vốn pháp định đối với ngành nghề này là bao nhiêu, hiện chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, hướng dẫn của Bộ KH – ĐT chưa cụ thể dẫn đến rất khó thực hiện” – lãnh đạo này bức xúc.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS, được Bộ xây dựng trình Chính phủ vào tháng 11 – 2006 và hiện chờ ký ban hành. Về vốn pháp định cho tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS, yêu cầu đối với hợp tác xã là 4 tỉ đồng, doanh nghiệp là 6 tỉ đồng. Đối với những doanh nghiệp đã hoạt động thì sẽ không phải làm thủ tục đăng ký lại ngành nghề trên.
Ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường , cho rằng việc ngưng cấp phép ngành nghề kinh doanh BĐS là chưa phù hợp với thực tế. Đúng lý ra, nếu gặp phải vướng mắc, địa phương phải báo cáo cấp trên để hướng dẫn tháo gỡ chứ không nên tự ý ngưng, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Còn ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ xây dựng, cũng cho rằng việc làm của sở KH – ĐT TP.HCM là chưa hợp lý. Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám Đốc sở KH – ĐT TP.HCM, cho biết đã báo cáo lên UBND TP và các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn nhăm tháo gỡ ngay vướng mắc này.