Top

Lo lắng cho công trình kiến trúc lịch sử

Cập nhật 09/10/2008 10:00

Nhiều công trình lịch sử như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, trụ sở UBND TPHCM… đang và sẽ bị “đè” bởi cao ốc. Bản sắc khu vực trung tâm lịch sử của TPHCM sẽ mai một nếu ngay từ bây giờ, thành phố không nhanh chóng hành động!

300 năm, còn lại gì?

Dự án đại lộ Đông Tây đã làm biến mất Bến Bình Đông - một di sản kiến trúc, văn hóa của Sài Gòn - TPHCM trong lịch sử 300 năm phát triển. Kiến trúc rất riêng (Hoa trộn Pháp) của dãy nhà cổ và hệ thống nhà kho trên đường Trần Văn Kiểu đã bị “giải tỏa”.

Theo KTS. Lưu Trọng Hải, sự “ra đi” của Bến Bình Đông là điều đáng tiếc trong lịch sử phát triển đô thị của TPHCM. Và, trước xu hướng phát triển hiện nay, nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của TPHCM sẽ còn tiếp tục bị đe dọa.

Ngay cả những công trình, cụm công trình đem lại bản sắc cho hòn ngọc Viễn Đông như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, đường Đồng Khởi, trụ sở UBND thành phố, khu biệt thự ở quận 3… cũng khó tránh khỏi tình trạng tương tự.

Nói như KTS. Ngô Viết Nam Sơn thì lõi của khu trung tâm thành phố - khu trung tâm lịch sử - đang bị “phá phách” bởi hàng loạt cao ốc (đã, đang và sẽ mọc lên). Gần đây nhất là hình ảnh ba tòa tháp Kumho lù lù mọc lên đã đè bẹp Bưu điện thành phố - công trình có lối kiến trúc mái vòm độc đáo, và Nhà thờ Đức Bà.

Thực tế, nhiều khu vực quanh các công trình có giá trị lịch sử như Nhà hát thành phố, khách sạn Continental, trường Lê Quý Đôn, Dinh Thống Nhất, trụ sở UBND TPHCM hay khu biệt thự ở quận 3… đang bị “cấy” các cao ốc vào.

Dễ thấy là khách sạn Caravelle đã làm cho không gian Nhà hát thành phố trở nên nhỏ nhoi; sự uy nghi của Dinh Thống Nhất cũng giảm đi khi nhiều cao ốc ken nhau chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai…

Nhiều con đường trước đây có không gian tuyệt đẹp như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu… nay đã bị “bê tông hóa trên cao”, như lời của TS. Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Hay những cao ốc trong khu biệt thự quận 3 cũng đã phá đi lối kết cấu không gian thấp tầng đặc trưng trước đó.

Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, những năm tới hàng chục cao ốc sẽ tiếp tục mọc lên trong khu trung tâm lịch sử của thành phố. Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn - văn phòng - căn hộ của Vincom tại khu đất bên hông trụ sở UBND thành phố.

Tuy công trình này không cao nhưng rất đồ sộ (phần xây dựng 7.000 mét vuông), nên khi hoàn thành sẽ làm trụ sở UBND thành phố - biểu tượng cơ quan quyền lực của thành phố - trông như nhỏ lại!

Cần bảo tồn không gian

Theo KTS. Kathrin Moore, nguyên Chủ tịch Hội KTS Hoa Kỳ, từng tham gia quy hoạch đô thị Phú Mỹ Hưng, nhà đầu tư thường không quan tâm đến vấn đề bảo tồn khi thực hiện các dự án bất động sản. “Họ thường chăm chút cho không gian kiến trúc của công trình mà quên mất không gian văn hóa của cả khu vực. Trong khi vấn đề phát triển các khu đô thị cũ rất cần sự hài hòa về kiến trúc cũ và mới”, bà nói.

Bà Kathrin Moore cũng cho rằng, phát triển nhà cao tầng như thế nào cho phù hợp và không phá hỏng những kiến trúc lịch sử xung quanh là điều không dễ. “TPHCM chưa làm được điều này”, bà nhận xét. “Nhà đầu tư thường chọn địa điểm thuận lợi để xây dựng, nhưng theo tôi, chính quyền cần phải biết mình nên bảo tồn những khu vực nào”.

“Tôi từng làm việc ở Việt Nam từ năm 1993 đến năm 1999. Lúc đó TPHCM có rất nhiều kiến trúc cũ và chính những kiến trúc này tạo bản sắc cho thành phố; nhưng nay quay lại thì nhiều cao ốc đã làm hỏng không gian hài hòa của những kiến trúc đó. Khu trung tâm phát triển quá tự phát và chiều theo nguyện vọng của nhà đầu tư”, bà Kathrin Moore nói.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, muốn bảo tồn những nét đặc trưng của lịch sử phát triển đô thị, chúng ta không chỉ cần bảo tồn các di tích kiến trúc văn hóa mà còn phải bảo tồn không gian xung quanh khu vực đó.

Cùng quan điểm này, KTS. Thomas Wright, Giám đốc điều hành Hội Quy hoạch khu vực Hoa Kỳ, cho rằng nói đến bảo tồn không chỉ nghĩ đến việc bảo tồn các di tích mà phải bảo tồn không gian quanh di tích, kể cả không gian công cộng.

Ông cho biết, ở New York người ta nhìn vấn đề bảo tồn lịch sử rộng hơn - bảo tồn cả khu vực, coi khu vực đó có nét gì đặc trưng thì bảo tồn. Bảo tồn là phải xem xét, nghĩa là khi quy hoạch phải tính đến việc khi xây dựng những công trình mới không được phá vỡ cảnh quan, không gian khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Thomas Wright, ở Mỹ cách hiểu về bảo tồn rất thoáng. Họ có khái niệm “bảo tồn tái sử dụng thích nghi”. Ví dụ, họ có tòa nhà bưu điện cổ cần được bảo tồn nhưng tòa nhà này không thể đáp ứng các điều kiện cho một bưu điện hiện đại hoạt động; nên đã được quy hoạch cải tạo thành nhà ga, hoặc nhà ở… miễn sao giữ lại được kiến trúc của tòa nhà này và khu vực xung quanh…

“Vì nếu đập bỏ để xây mới thì khu nhà này cũng chẳng khác gì với những khu nhà khác, khi đó nét đặc trưng khu vực không còn nữa”, ông Thomas Wright nói.

Theo KTS. Nguyễn Hữu Thái, bảo tồn là giữ lại cái hồn đô thị. Vì cái hồn đô thị chính là quá khứ - ký ức tập thể của một xã hội - lịch sử gắn kết dân cư một cộng đồng. Vì vậy không nên ủng hộ khuynh hướng đập bỏ cái cũ để xây nhà cửa hiện đại. “Nhiều kiến trúc sư Singapore, Trung Quốc là bạn bè của tôi rất đau lòng khi một số đô thị của nước họ đã phát triển theo hướng này”, ông nói.

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Paris bảo tồn được giá trị văn hóa lịch sử giàu bản sắc như ngày nay vì họ không “cấy” nhà cao tầng xen lẫn trong quá trình phát triển đô thị như chúng ta. Nếu Paris không lập nên khu trung tâm mới La Défense làm nơi phát triển chính cho các công trình hiện đại và cao tầng, mà cho phép chúng được xây dựng xung quanh các công trình lịch sử như nhà hát Opéra, nhà thờ Đức Bà và điện Versailles thì có lẽ bản sắc của Paris đã không còn.

Trung tâm lịch sử

Theo quy hoạch, khu trung tâm TPHCM gồm hai phần: khu trung tâm hiện hữu mở rộng và trung tâm mới Thủ Thiêm.

Theo tôi, nên chăng khoanh vùng ngay và xác định thêm một thành phần thứ ba - khu trung tâm lịch sử của thành phố - với những chính sách về quản lý phát triển và cải tạo hoàn toàn khác với hai thành phần kia.

Các khu vực trung tâm TPHCM có giá trị lịch sử, gồm:

- Trục đường Đồng Khởi kéo dài từ Nhà thờ Đức Bà đến khách sạn Majestic, bao gồm tòa nhà Bưu điện, trường Trần Đại Nghĩa, khách sạn Continental.

- Tổng thể công viên trước Dinh Thống Nhất kéo dài đến vườn Tao Đàn, Tòa án Nhân dân, Thư viện Quốc gia, trường Lê Quí Đôn.

- Tổng thể khu vực trước trụ sở Ủy ban Nhân dân TPHCM và Nhà hát Thành phố.

- Khu vực biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao đoàn trước đây, đặc biệt là các trục đường Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quí Đôn.

- Hệ thống cây xanh: Công viên Tao Đàn - Công viên 30 tháng 4 - Thảo Cầm Viên...

(KTS. Ngô Viết Nam Sơn)


Bài học từ Quảng Châu

TS. Chen Lie, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế quy hoạch Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý quy hoạch kiến trúc của Việt Nam tại một hội thảo về thị trường bất động sản mới đây ở TPHCM về quá trình bảo tồn trong phát triển đô thị của thành phố Quảng Châu.

Theo ông, việc quản lý không gian đô thị của Quảng Châu giai đoạn vừa qua không tương xứng với quá trình phát triển không gian đô thị. Khu đô thị cũ, tỷ lệ khai thác đất cao, mật độ kiến trúc cao; còn các khu đô thị mới thì ngược lại. Điều này khiến giá đất ở khu đô thị cũ duy trì ở mức cao. Và sau khi mở rộng đất đai ở những khu đô thị mới tới mức bão hòa, các nhà đầu tư quay lại khai thác lần hai khu đô thị cũ, phá kết cấu không gian của khu đô thị cũ, thậm chí còn uy hiếp di tích lịch sử, văn hóa.

Như tuyến đường ngầm số 2 của thành phố Quảng Châu làm cho các khu đất xung quanh các di tích lịch sử ở đó trở thành tiêu điểm đầu tư, hình thành một quần thể nhà cao tầng với mật độ cao bao vây khu di tích lịch sử.


>Ứng xử thế nào với các kiến trúc lịch sử?


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG