Thay vì dùng các giải pháp để giảm giá thành căn hộ, giúp người dân có thể mua được nhà, Bộ Xây dựng lại vừa đề xuất giảm diện tích căn hộ nhà ở xã hội xuống còn 25 m2/căn.
Lại căn hộ “hộp diêm” !
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc giảm diện tích căn hộ nhà ở xã hội xuống còn 25 m2/căn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy - Ảnh: Đình Sơn
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ cho phép triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ nhỏ 25 m2 và tối đa là 90 m2. Bộ sẽ đưa quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội vào luôn trong nghị định sắp ban hành vào khoảng đầu tháng 6 tới chứ không đợi đến khi ban hành luật Nhà ở mới (năm 2015).
Không phù hợp luật Nhà ở
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cảnh báo đề xuất của Bộ Xây dựng nếu được chấp thuận có thể làm hình thành những khu nhà ổ chuột trong tương lai. “Nhà dưới 30 m2 chỉ thích hợp với sinh viên, công nhân thuê chứ không thể hợp với hộ gia đình có thu nhập thấp, quân nhân... ở được vì khó đảm bảo mức diện tích trung bình tối thiểu/người”, ông Nghiêm nói. Mặt khác, ông lưu ý chủ trương này cũng chưa thể thực hiện được ngay dù có đưa vào nghị định vì không phù hợp với quy định của luật Nhà ở. Muốn thay đổi, buộc phải sửa đổi luật này trước.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cũng cho rằng luật Nhà ở năm 2005 đã quy định nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu là 30 m2, nhà ở thương mại có diện tích tối đa 45 m2, vậy thì cứ theo đó mà thực hiện. Nếu xây dựng nhà ở xã hội dưới 30 m2 thì nên đặt ở vùng ven, ngoại thành để cho thuê, thuê mua.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cũng nói rằng Bộ nên cân nhắc, không nên triển khai đồng loạt bởi như vậy sẽ tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vốn đang quá tải hiện nay. “Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ khi TP đang cần nâng cao chất lượng điều kiện ăn ở của người dân. Tuy nhiên, nếu Bộ thấy cần áp dụng thì không nên quy định trong nghị định mà nên áp dụng thí điểm ở một vài nơi chứ không thể cấp phép tràn lan. Số lượng căn hộ này trong một dự án cũng nên quy định tỷ lệ phần trăm nhất định để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”, vị này đề xuất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng đề nghị nhà diện tích nhỏ như đề xuất của Bộ Xây dựng chỉ nên dùng cho thuê. Tỷ lệ những căn hộ này tại các chung cư cũng cần hạn chế.
Cần thêm chính sách hạ giá
Giải pháp tối ưu để người dân, đặc biệt là dân nghèo có được nhà, theo ông Lê Hoàng Châu là giảm giá bán bằng cách nhà nước nên đầu tư những khu đô thị vệ tinh ở vùng ven cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, với những chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, lãi vay... Hạ tầng các đô thị ở vùng ven phải được kết nối tốt với khu trung tâm, có đầy đủ dịch vụ như ngân hàng, trường học, bệnh viện, chợ... Ở đó, người dân cũng có thể mở được tiệm hớt tóc, quầy bán báo, tiệm tạp hóa... để tạo thu nhập. “Hiện nay giá nhà đất quá cao là do tiền sử dụng đất quá cao, chi phí giải phóng mặt bằng bất hợp lý, chi phí vốn, lãi vay quá cao. Để giảm giá nhà, Chính phủ phải quyết liệt giải quyết các bất cập trên, kể cả thủ tục hành chính”, ông Châu kiến nghị.
Để người dân mua được nhà, nhà nước cần có chính sách hạ giá nhà nhiều hơn nữa thay vì cứ loay hoay bài toán thu nhỏ diện tích căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên