Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm qua toàn thành phố đã xử lý kỷ luật 142 cán bộ vì lơi lỏng trách nhiệm, chiếm tới hơn 10% tổng số thanh tra xây dựng (1.300). Dù vậy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố vẫn rất nóng.
Nhà xây trái phép trên đất ruộng bị cưỡng chế phá dỡ ở ngoại thành Hà Nội |
1 năm, hơn 3.000 vi phạm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Đức Học thông tin, năm 2012, Sở Xây dựng và các quận huyện đã xử lý 142 cán bộ, trong đó, chủ yếu là thanh tra xây dựng vì buông lỏng quản lý, để xảy ra các vụ vi phạm TTXD với nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã đã xem xét xử lý kỷ luật khiển trách 44 trường hợp, cảnh cáo 30 trường hợp, cách chức 4 trường hợp, bãi nhiệm 2 trường hợp, buộc thôi việc 5 trường hợp và xử lý kỷ luật bằng hình thức khác 57 trường hợp.
Dù số cán bộ bị “trảm” khá lớn song tình hình trật tự xây dựng vẫn nóng bỏng. Số vụ vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn nhiều. Tỷ lệ công trình vi phạm trên tổng số công trình được kiểm tra rất cao. Tổng hợp từ Sở Xây dựng cho biết, 12 tháng qua, qua kiểm tra 16.233 công trình, phát hiện tới 3.028 trường hợp có vi phạm, phải lập biên bản xử lý. Trong đó, các vụ xây dựng không phép là nhiều nhất, tới 1.688 vụ. Còn lại là các vụ xây dựng sai phép (383 vụ); xây dựng trái phép và các vi phạm khác (957 vụ). Hầu hết các công trình vi phạm này đã bị đình chỉ thi công, xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều chủ công trình đã phải tự khắc phục song cũng nhiều công trình phải cưỡng chế, tháo dỡ các hạng mục vi phạm.
Dù Sở Xây dựng nhận định rằng: “công tác kiểm tra, kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn đã được lực lượng quản lý TTXD của thành phố chú trọng hơn”, tuy nhiên, nhìn vào số cán bộ bị kỷ luật và số lượng lớn công trình vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là hàng loạt công trình vi phạm nằm chình ình ngay mặt các phố lớn ở khu vực trung tâm thành phố, có thể thấy, nhận định trên rất khó chấp nhận.
Cho tới những ngày cuối cùng của năm 2012, toàn thành phố vẫn còn 283 công trình vi phạm TTXD, lấn chiếm đất đai vẫn đang chờ được xử lý, trên tổng số 788 trường hợp đã được “vạch mặt, chỉ tên” từ tháng 6-2012. Không thể phủ nhận nỗ lực giải quyết nhanh chóng của các sở, ngành và quận, huyện, thị xã trong những tháng qua với tổng số 505 trường hợp đã thụ lý xong, nhưng cũng cần nhắc lại, trong 6 tháng qua, UBND TP cũng đã nhiều lần phải đốc thúc, nhắc nhở các đơn vị vào cuộc ráo riết hơn. Có những quận nội thành bị nhắc nhở, thúc giục, gia hạn tới 2-3 lần nhưng tới nay vẫn còn “nợ” chưa giải quyết hết những vụ vi phạm còn tồn đọng.
Còn diễn biến phức tạp
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2012, Hà Nội đã cấp hơn 8.500 GPXD với tổng diện tích sàn hơn 2,6 triệu m2. Mặc dù số lượng giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng nhiều quận, huyện thuộc Hà Nội cũ vẫn có số lượng GPXD và tỷ lệ công trình xây dựng có phép cao (trên 90%). Tuy vậy, có những địa bàn số GPXD cấp được rất ít như huyện Ba Vì (1 GPXD), Thanh Oai (4 GPXD), Đan Phượng (9 GPXD). Cá biệt có một số địa bàn không cấp được GPXD nào như huyện Quốc Oai. Huyện này cũng “đứng đầu” trong danh sách các địa phương có vi phạm, với tổng cộng 160 trường hợp, chiếm 20% tổng số vi phạm toàn thành phố.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, số lượng GPXD còn khiêm tốn do các địa phương có địa bàn rộng, cán bộ làm công tác cấp giấy phép còn thiếu cả số lượng và nghiệp vụ cần đào tạo và bổ sung trong thời gian tới, đặc biệt cán bộ chuyên ngành tại các xã, thị trấn còn chưa có. Ngoài ra, hầu hết các địa bàn đang áp dụng quy hoạch cũ chủ yếu tỷ lệ 1/5000, 1/2000 đã được phê duyệt từ lâu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế xây dựng về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Các huyện phía Tây còn rất thiếu quy hoạch chi tiết, thậm chí cả quy hoạch chung cũng chưa được phê duyệt dẫn đến căn cứ để cấp giấy phép xây dựng không đầy đủ. Một số trường hợp trước đây là nhà 4, 5 tầng, nay muốn cải tạo hoặc xây mới, tuy nhiên bị vướng vào quy hoạch “treo” nên để cấp mới chỉ cấp tạm được 3 tầng...
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, tình hình vi phạm TTXD, lấn chiếm đất đai ở Hà Nội, nhất là tại các huyện, sẽ còn phức tạp. Bởi không rõ, tới bao giờ, các huyện mới được phủ kín quy hoạch chi tiết và lực lượng quản lý trật tự xây dựng được bố trí đủ lực lượng, với đủ lương tâm, trách nhiệm và năng lực để kiểm soát được tình hình.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô