11 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến nay viễn cảnh về một đô thị hiện đại vẫn còn đang ở phía trước.
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa chỉ đạo đến ngày 31 - 12 - 2007 phải hoàn tất việc thu thập hồ sơ pháp lý và áp giá bồi thường hỗ trợ 285,30 ha còn lại và phải thu hồi đất trước ngày 31 - 3 - 2008. Điều này có khả thi, hiện thực để có quỹ đất xây dựng khu đô thị mới?
Người dân chờ… giải tỏa
Thủ Thiêm và An Khánh là hai trong ba phường phải giải tỏa trắng để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sáng 6 - 10, khi đến hai phường này chúng tôi chỉ thấy một số ít nhà đã tháo dỡ để chuyển đi nơi khác, còn phần lớn vẫn còn nguyên.
Ông Nguyễn Văn Trọng ở tại phường An Khánh cho biết khuôn viên nhà đất của ông rộng 270m2, đã đăng ký để được đền bù giải tỏa từ ngày 5 - 7 - 2006. Lúc nộp hồ sơ, cán bộ thụ lý nói ba tháng sau là có tiền, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Bà Nguyễn Thị Sen ở đường Nhà Thờ, phường Thủ Thiêm cũng trong tình trạng chờ giải tỏa. Bà Sen than phiền chuyện giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã nói từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhà ngày càng xuống cấp nhưng sửa chữa không được.
Người dân ở đây phản ánh việc đền bù giải tỏa vừa chậm vừa bất hợp lý. Cũng cùng con đường Lương Định Của nhưng có đoạn đền bù hơn 20 triệu đồng/m2, đoạn chỉ trên 6 triệu đồng/m2. Diện tích đất bồi thường cũng không được tính thỏa đáng.
Bà chủ quán cà phê ở đầu hẻm 32 đường Lương Định Của, khu phố 3, phường An Khánh, cho biết nhiều người có nhà, đất diện tích trên 200m2 nhưng chỉ được tính giá đền bù 6,3 triệu đồng/m2 cho diện tích 200 m2, diện tích còn lại thì tính giá 714.000đồng. Đa số bà con ủng hộ chủ trương xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và họ sẵn sàng giao đất để thực hiện dự án, nhưng họ muốn phải đảm bảo quyền lợi và cuộc sống sau khi di dời.
Tại khu vực phường Thủ Thiêm, nếu người dân nhận “một cục” tiền để tự lo chỗ ở mới thì được bồi thường 6,3 triệu đồng/m2; còn nếu nhận một căn hộ tái định cư thì chỉ nhận được 2,3 triệu đồng/m2. Nhưng người dân không biết nhà tái định cư ở đâu, diện tích bao nhiêu. Thời gian qua nhiều người giao đất, đến nơi tái định cư nhưng không đảm bảo được cuộc sống lại phải quay về chỗ cũ thuê nhà để tìm kế sinh nhai. Chỉ tay ra bãi cỏ xanh, ông lão Trần Bài nói: “Không biết tôi có sống đến ngày khu đô thị này hoàn thiện không?”.
31 - 3 - 2008, thời hạn chót?
Trong cuộc họp mới đây với Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo: việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ còn lại phải dứt điểm càng sớm càng tốt, để chậm nhất đến ngày 31 - 3 - 2008 phải thu hồi và bàn giao diện tích còn lại trong khu quy hoạch.
Chủ tịch UBND quận 2 có trách nhiệm khẩn trương triển khai theo tiến độ nói trên, không để chậm trễ với bất cứ lý do nào. Sở Xây dựng được giao xử lý ngay các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng căn hộ tái định cư. Sở Tài nguyên và môi trường được giao khẩn trương phối hợp với Sở Quy hoạch - kiến trúc, Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND quận 2 kiểm tra, rà soát và làm rõ chủ trương quy hoạch khu tái định cư 160ha dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để làm cơ sở giải thích cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Chủ tịch cũng chấp thuận cho UBND quận 2 áp dụng phương thức hoán đổi đất theo tỷ lệ phù hợp để giải quyết dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Kế hoạch và đầu tư được giao phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND quận 2 hướng dẫn thủ tục đấu thầu chọn chủ đầu tư thi công các dự án phục vụ tái định cư trong khu quy hoạch, bảo đảm triển khai nhanh và hiệu quả.
Theo kế hoạch đến cuối tháng 12 - 2007 phải cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dân. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số hơn 12.000 tỉ đồng đền bù đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 2.600 tỉ đồng. Ông Hứa Ngọc Thảo, trưởng Ban giải phóng mặt bằng quận 2, cho biết nguyên nhân chậm trễ là do phần lớn nhà, đất khu vực này không có giấy tờ hoặc nguồn gốc không rõ ràng, vì vậy phải tốn thời gian nhiều để xác minh. Hơn nữa, bản đồ hiện trạng được lập năm 1999 và 2003 có nhiều điểm không phù hợp nên cũng gây khó khăn cho người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ, thời gian qua Ban đền bù giải phóng mặt bằng đã chủ động thu thập hồ sơ pháp lý, gặp gỡ người dân để tháo gỡ vướng mắc và sẽ cố gắng thu thập hồ sơ pháp lý diện tích phải thu hồi trước ngày 31 - 12 - 2007 như kế hoạch… Tuy nhiên, để làm được điều này có rất nhiều công việc phải xử lý, tháo gỡ!
Càng chậm càng ảnh hưởng
Do tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm nên việc triển khai xây dựng hạ tầng cũng bị chậm theo. Thời gian qua các nhà đầu tư chỉ đến tham quan, xem xét chứ chưa có động thái gì cụ thể, vì tất cả phải chờ mặt bằng, hạ tầng… Việc giải ngân, đền bù chậm cũng ảnh hưởng không nhỏ vì phải trả lãi trên vốn vay.
Mới đây Công ty tư vấn Edaw (Hoa Kỳ) đã hoàn tất kế hoạch đầu tư và tài chính khu đô thị mới Thủ thiêm. Edaw đề xuất đầu tư cho Thủ Thiêm sẽ được chia làm ba giai đoạn, giai đoạn 1 (2007 - 2010) sẽ hoàn thành cơ bản 50% hạ tầng khu đô thị gồm các tuyến đường chính, hạ tầng dân sinh và chuẩn bị mặt bằng. Trong giai đoạn này cần khoảng 375ha đất để xây dựng hạ tầng. Giai đoạn 2 (2011 - 2015) tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư; đồng thời xây dựng các trường học, các trung tâm triển lãm, các đầu mối giao thông, khu thương mại đa năng...
Tiếp tục xây dựng các hạ tầng kết nối và hạ tầng cơ bản, hoàn thành việc đắp nền và chuẩn bị mặt bằng bàn giao toàn bộ cho Thủ Thiêm. Giai đoạn này sẽ xây dựng các tuyến đường kết nối vùng và các tuyến đường chính nội vùng như cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2, cầu bộ hành, đường vành đai qua khu dân cư, cầu qua kênh rạch...
Theo dự án này, phải đến giai đoạn 3 (2016 - 2020) mới hình thành các khu dân cư bờ sông, khu căn hộ cao cấp, khu phức hợp thể thao, quảng trường sân khấu và hoàn chỉnh các công trình còn lại. Trước mắt trong giai đoạn 2007 - 2010, thành phố sẽ đầu tư 150 triệu USD để thực hiện các dự án hạ tầng như san lấp mặt bằng (42 triệu USD), đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến khu dân cư phía bắc (29 triệu USD), đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến hồ trung tâm (18,5 triệu USD), hạ tầng công cộng (25 triệu USD), đại lộ vòng cung (12 triệu USD), cầu qua kênh rạch (23 triệu USD)... Theo các chuyên gia, tiến độ Thủ Thiêm chậm một ngày là một ngày mất đi cơ hội để thu hút các nhà đầu tư.
Phải kết nối với các đô thị xung quanh
Một góc Thủ Thiêm trong
tương lai (phối cảnh).
Ông Vũ Hùng Việt, trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm:
Tạo điều kiện thu hút đầu tư
Thời gian qua ban quản lý đã tiếp khoảng 100 công ty và các tập đoàn có tên tuổi trong và ngoài nước đến tìm hiểu quy hoạch và tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm là các dự án về dân cư, hạ tầng kỹ thuật. Các công ty có tiềm lực về tài chính thì quan tâm đến các dự án phức hợp gồm siêu thị, khách sạn, giải trí, thể thao…
Ban quản lý đã ký biên bản ghi nhớ với một số tập đoàn như Cotec (lãnh thổ Đài Loan) nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất phần mềm; Công ty Sama Dubai nghiên cứu xây dựng một tháp quan sát và một số công trình khác trong khu vực trung tâm với diện tích khoảng 50ha; thỏa thuận với Tập đoàn GS (Hàn Quốc) đầu tư dự án văn phòng - thương mại - dịch vụ - nhà ở…
Việc thông xe cầu Thủ Thiêm vào cuối năm nay sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Về phía ban quản lý cũng sẽ cố gắng tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Thủ Thiêm ngày càng nhiều.
PGS TS Nguyễn Minh Hòa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị cộng đồng TP.HCM:
Cần tổng công trình sư cho Thủ Thiêm
Khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, cần có một tổng công trình sư quyết định nền tảng chung về kiểu dáng, mật độ xây dựng, chiều cao… Như vậy chúng ta mới có được một Thủ Thiêm hoàn hảo về mặt kiến trúc, đảm bảo về mặt hạ tầng, kỹ thuật. Còn nếu “xé lẻ” ra từng dự án nhỏ để chủ dự án tự quyết định về kiểu dáng, kiến trúc…, xét về từng dự án cụ thể thì đẹp nhưng khi “ráp” lại sẽ khó đạt được ý đồ về một Thủ Thiêm tổng thể. Phố Đông Thượng Hải của Trung Quốc có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào một tổng công trình sư.
Các nhà khoa học cảnh báo việc khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ bị ngập nước sau 50 hay 70 năm do mực nước biển dâng lên và các cửa sông bị bồi lắng, tôi cho rằng đây là lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc. Vì vậy ngay bây giờ chúng ta phải tính toán thật kỹ khi xây dựng Thủ Thiêm. Nếu Thủ Thiêm là sự mở rộng TP.HCM thì mật độ xây dựng sẽ quy mô, kiên cố hơn. Còn nếu xác định Thủ Thiêm chỉ là “phụ tải” của trung tâm thành phố thì chỉ nên xây dựng ở đây những biệt thự, nhà vườn, công viên… Vì thế, khi xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm, chúng ta không nên vội vàng, có thể chậm nhưng chắc.
Theo Sài Gòn Giải Phóng