Ùn tắc kéo dài trên cầu Thăng Long (Ảnh VnExpress) |
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, đến nay tiến độ thi công sửa chữa cầu vẫn được đảm bảo. Theo tiến độ này, việc sửa chữa cầu đến hết tháng 12/2009 sẽ hoàn thành.
Sau hơn 24 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp trầm trọng. Lớp bê tông nhựa phủ mặt cầu và lớp chống thấm bị biến dạng, nước thấm xuống làm gỉ phần bản thép phía dưới, ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ của cầu.
Trước tình trạng trên, Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5m, dài gần 1,7km.
Để phục vụ cho việc sửa cầu, từ 23/10, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô tải, xe khách qua cầu, chỉ cho phép các loại xe con, xe buýt... đi trên mặt cầu và buộc xe máy phải đi tầng dưới. Dự kiến việc sửa chữa thực hiện trong 3 tháng.
Tuy nhiên, do cầu nằm trên con đường huyết mạch nối trung tâm thành phố đến sân bay quốc tế Nội Bài, nên từ khi tiến hành sửa chữa, tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra và kéo dài hàng tuần, có những ngày, hàng nghìn ô tô nối đuôi nhau xếp hàng chờ đến lượt đi qua cầu.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã có những trao đổi với báo chí để làm rõ hơn vấn đề này với công luận.
* Thưa Bộ trưởng, việc sửa chữa cầu Thăng Long vừa rồi đã gây ách tắc giao thông rất nhiều. Bộ trưởng đã có thông tin gì về dự án này chưa?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng |
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Việc sửa chữa cầu Thăng Long là rất cần thiết, không thể lùi được bởi cầu Thăng Long đã qua sử dụng hơn 20 năm. Việc chọn thời điểm sửa là rất khó, bởi nếu sớm thì gặp mưa, không thể làm được. Thời điểm này là thích hợp cho việc tiến hành sửa chữa. Chúng tôi cũng biết thời điểm này lưu lượng giao thông rất lớn (kỳ họp Quốc hội cũng như Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 đang diễn ra), tuy nhiên không thể lùi được nữa, bởi nếu lùi thì sẽ vào Tết, rất khó cho công tác chuẩn bị.
Tuy nhiên có vẻ như tiến độ sửa chữa là quá chậm, có thời điểm nhà thầu chỉ quây lại mà không thấy làm gì? Bộ trưởng có biết tình trạng này không?
Tôi biết có thời điểm như thế. Tuy nhiên trong mấy ngày vừa rồi, sau khi chấn chỉnh lại thì nhà thầu đã làm 3 ca liên tục.
* Thưa ông, trách nhiệm của Cục Đường bộ trong vấn đề này như thế nào? Khi được hỏi thì Cục nói đó là việc của nhà thầu chứ không thấy đôn đốc về vấn đề này?
Để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của cả nhà thầu và trách nhiệm quản lý của Cục Đường bộ, chứ không hoàn toàn của nhà thầu. Cục Đường bộ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Hà Nội như công an, giao thông công chính để điều khiển giao thông. Việc tổ chức giao thông là do thanh tra giao thông Hà Nội tiến hành, và họ tổ chức tương đối tốt, rất công phu, bài bản. Anh em cũng có nhiều cố gắng. Tuy nhiên giải quyết triệt để thì chưa làm được. Vấn đề này cần rút kinh nghiệm để tiếp tục làm.
* Có dư luận cho rằng năng lực của nhà thầu không đáp ứng được, vậy có tiêu cực gì trong việc chỉ định thầu hay không?
Vấn đề này chưa có kết luận. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định việc chỉ đạo, tổ chức, lựa chọn nhà thầu được tiến hành rất chu đáo, rất cẩn thận. Việc sửa chữa này có tính đặc thù không phải nhà thầu nào cũng có thể làm được. Phải chọn nhà thầu nào đã từng làm và có kinh nghiệm, có thể tin tưởng được. Vì đây là công trình rất lâu, công nghệ của Liên Xô cũ và họ đã rút đi hoàn toàn. Cho nên mặc dù các cơ quan chuyên môn về kỹ thuật đã tổ chức kiểm tra, thí điểm làm thử, nhưng chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh trong quá trình thi công và các chuyên gia kỹ thuật sẽ căn cứ trên điều kiện thực tế để giải quyết.
* Theo ông thì việc sửa chữa có đảm bảo tiến độ và liệu có tiếp tục xảy ra ùn tắc nữa không?
Cho đến này tiến độ thi công vẫn được đảm bảo. Còn vấn đề ùn tắc tôi cho rằng, xảy ra ùn tắc lớn thì không, nhưng ùn tắc cục bộ thì vẫn có thể xảy ra. Theo tiến độ, việc sửa chữa cầu đến hết tháng 12/2009 sẽ hoàn thành.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News