Luật Đất đai quy định bồi thường theo giá thị trường nhưng các tỉnh, thành chỉ áp giá bằng 30%-60% giá thị trường.
Hôm qua (7-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008. Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm 2008, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có lắng dịu hơn so với năm 2007, đặc biệt là số vụ khiếu nại về đất đai giảm hẳn (Tiền Giang giảm 49%, Bến Tre 48,6%, Tây Ninh 21%, TP.HCM 18%...).
Tuy nhiên, tỷ lệ công dân gửi đơn vượt cấp lên trung ương vẫn khá cao. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý là số lượt đoàn khiếu kiện đông người ở địa phương lại tăng vọt (30%). Hơn 80% lượng đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai.
Nhiều giá bồi thường phát sinh khiếu kiện
Thảo luận về vấn đề trên, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần phải đi sâu phân tích từng nguyên nhân cụ thể để tìm ra giải pháp gỡ rối từng nút một của “mớ bòng bong” khiếu kiện về đất đai, tránh tình trạng “năm nào cũng nói vậy”.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện là giá đất nhà nước quy định còn thấp hơn so với thị trường. Cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải quyết việc làm khi nhà nước thu hồi đất chưa đảm bảo được cuộc sống ổn định cho người dân.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi thường xuyên thay đổi nên khi giải quyết được quyền lợi cho những người có đất mới bị thu hồi thì những người bị thu hồi đất theo chính sách cũ lại so bì, khiếu nại đòi bồi thường thêm hoặc đòi lại đất.
“Cùng một dự án mà bồi thường năm ngoái khác, năm nay khác. Cùng vận dụng pháp luật mà các bộ, ngành tranh luận nảy lửa, cuối cùng bộ, ngành nào cũng đúng” - ông Hào phân trần.
Vận dụng lý suông, dân thiệt thòi
Vẫn theo ông Hào, cái khó của việc giải quyết khiếu nại về đất đai là phải làm sao vừa thấu lý vừa đạt tình. Có những vụ về lý thì không giải quyết được nhưng về tình mà không giải quyết thì rất thiệt thòi cho bà con.
Vì vậy, vừa rồi Chính phủ phải chi hơn 100 tỷ đồng để Tiền Giang giải quyết hỗ trợ cho một số khu vực có thu hồi đất đai; Tây Ninh cũng phải chi rất nhiều tiền và đất để thực hiện chính sách này; Kiên Giang cũng đang “đòi” hơn 100 tỷ đồng...
“Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê rằng bồi thường của ta chỉ bằng 30%-60% giá thị trường. Nhưng nếu đặt ngược vấn đề là yêu cầu bồi thường đúng giá thị trường thì doanh nghiệp nào dám vào khu công nghiệp nữa. Ngay cả việc bồi thường giải tỏa hành lang giao thông một số khu vực, chính quyền các tỉnh than rằng cứ theo giá thị trường thì không thể làm nổi” - ông Hào nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nguyên nhân chính vẫn là khâu tổ chức thực hiện pháp luật đang có vấn đề. Ví dụ như Luật Đất đai quy định bồi thường theo giá thị trường là đúng nhưng UBND các tỉnh chỉ áp giá bằng 30%-60% giá thị trường là không đúng tinh thần của luật.
Ông Lưu yêu cầu các cơ quan chức năng khi khẳng định hệ thống chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể và chồng chéo thì cần đưa ra những ví dụ cụ thể, nội dung cụ thể chứ không nên nói chung chung. Theo ông Lưu, những người thực thi pháp luật nếu chỉ công tâm, trách nhiệm và làm đúng quy định của luật thì tình trạng khiếu kiện không phức tạp đến thế.
Qua phân tích kết quả giải quyết hơn 12 ngàn vụ việc khiếu nại của 16 địa phương, bộ, ngành cho thấy có 19% nội dung khiếu nại đúng, hơn 50% nội dung khiếu nại có đúng có sai. Qua giải quyết hơn 5.000 đơn tố cáo thì có 16,5% tố cáo đúng, 33% tố cáo có đúng có sai.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 455 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 14 vụ việc với 22 người; kiến nghị thu hồi cho nhà nước hơn 10,7 tỷ đồng, hơn 14 ha đất và trả lại cho tập thể, công dân hơn 20 tỷ đồng, 9 ha đất; minh oan cho 299 người.
(Trích báo cáo của Thanh tra Chính phủ)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP