Là người đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy tình trạng ly nông và ly hương đang diễn ra hết sức nhức nhối. Và điều đáng nói nhất là sau khi nông dân nhường đất cho khu công nghiệp, khu dân cư thì những mảnh đời cơ cực lại xuất hiện bên cạnh những khu công nghiệp, khu dân cư mọc lên nhưng sau nhiều năm vẫn trong tình trạng... "vườn không nhà trống"!
Thực tế cho thấy hầu hết nông dân có đất trong các dự án khu công nghiệp khi bị giải tỏa thu hồi đất chỉ nhận được một cọc tiền rồi... thôi! Trong khi đó, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp là một trong những yêu cầu hàng đầu và bắt buộc theo qui định khi tiến hành đầu tư xây dựng các dự án có thu hồi đất của dân, đặc biệt là nông dân.
Thông thường, cuộc sống nông dân chỉ bám với ruộng đồng, những hoạt động lúc nông nhàn của họ cũng gắn với cánh đồng. Sau khi được (hay bị) đền bù, nhiều người nhận được một số tiền khá lớn, họ được quăng cho một "con cá” to! Tuy nhiên bên cạnh đó, "cần câu" của họ cũng không còn (đất đai canh tác đã mất, hoặc còn nhưng không đủ, chẳng thể làm được gì). Có rất nhiều trường hợp với số tiền từ "trên trời rơi xuống" nông dân không biết làm gì cả, ngoại trừ việc tậu xe, cất nhà rồi... tiêu xài vô tư!
Những lao động chính ở nông thôn sau thời gian "thụ hưởng" hết số tiền đền bù, không còn "cần câu", không câu được "cá”, cũng không tham gia được "cuộc chơi công nghiệp" trên mảnh đất của mình nên buộc lòng phải ly hương! Điểm đến của họ là các đô thị lớn với lực hút lao động tự do ghê gớm. Với mặt bằng dân trí không cao, tay nghề không có, nhìn chung khi vào đô thị họ mang theo gánh nặng từ nông thôn và lập tức "sang qua" cho đô thị, đúng hơn là cho chính quyền các đô thị lớn!
Bên cạnh đó cũng có dự án chính quyền và chủ đầu tư thực hiện đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn một cách bài bản. Tuy nhiên, như những gì báo chí phản ánh, với tình trạng khu công nghiệp đìu hiu lèo tèo, sau khi đào tạo nghề, những lao động này lại không có việc làm, "cung" nhiều hơn "cầu", họ lại ly hương! Những tổn thất xã hội nhìn chung là không nhỏ!
Đó là thực trạng của bức tranh bồi hoàn giải tỏa phục vụ các dự án khu công nghiệp - khu dân cư ở hầu hết các địa phương ngày nay. Có vẻ như chính quyền nhiều nơi đang rất lúng túng khi định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình. Để giải tỏa sự lúng túng, vướng mắc trên, nhiều địa phương đã sẵn sàng "mở cửa" với việc giải tỏa hàng loạt rào cản trong qui trình quản lý... Nhiều "khu công nghiệp tư nhân" ở nhiều địa phương lập tức được hình thành.
Với những tính toán sát sườn, chủ đầu tư biết họ cần gì nên sẵn sàng đền bù đất với giá hợp lý làm hài lòng nông dân. Ngoài ra, việc đào tạo nghề của họ với những kỹ năng bài bản, phù hợp với thực tế ngành nghề của họ đã thu hút được lao động nông thôn đáng kể. Sẽ là một câu chuyện có hậu nếu như những khu công nghiệp như vậy không được "qui hoạch" theo yêu cầu của những chủ đầu tư!
Đó là những khu công nghiệp ở thượng nguồn các con sông tạo nên nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hay cặp sát quốc lộ là nguyên nhân tiềm ẩn sự xuất hiện của các "điểm đen" giao thông. Buồn thay, đây cũng lại là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi.
Công nghiệp hóa rõ ràng là định hướng rất đúng của Nhà nước. Tuy nhiên, công nghiệp hóa phải được đặt trong bức tranh tổng thể mà các giải pháp xã hội và biện pháp chế tài phải nhất nhất được tuân thủ để sự phát triển ấy đảm bảo bền vững, nếu không sẽ tạo ra một gánh nặng khác cho xã hội!
Đa số nông dân bị mất đất đều lâm vào cảnh khó khăn
Gia đình tôi là một trong những gia đình bị thu hồi đất để làm khu dân cư. Khi biết gia đình tôi chỉ bị thu hồi phân nửa diện tích đất, cả nhà tôi ai cũng nghĩ gia đình mình còn may mắn hơn nhiều gia đình khác. Thế nhưng, bi kịch lại xảy ra khi số đất còn lại không thể tiếp tục trồng lúa được vì dự án khu dân cư làm cho việc bơm nước vào ruộng không thể thực hiện!
Ba tôi trình bày điều này với chính quyền địa phương thì được các vị nhiệt tình giải quyết bằng câu nói: "Nếu anh đồng ý bán lại phần đất đó, chúng tôi sẽ mua, chứ tìm cách giải quyết để tiếp tục trồng lúa thì... hết cách"!
Bây giờ, mỗi lần đi ngang khu vực đất của mình ngày trước, tôi lại thấy xót xa. Ngày trước, đó là một cánh đồng trải dài, xanh mướt màu mạ non, vàng ươm màu lúa chín, nhưng giờ chỉ là một bãi đất trống! Nước ta là nước nông nghiệp, dân ta chủ yếu làm nghề nông. Thu hồi đất, nông dân cầm số tiền đền bù có vẻ rất lớn nhưng họ không biết phải làm gì, họ lúng túng, họ tiêu xài, rồi hết tiền và bế tắc!
Cũng có nhiều người dùng số tiền đền bù để mua mảnh đất khác tiếp tục trồng trọt, nhưng mảnh đất mua sau bao giờ cũng có diện tích nhỏ hơn mảnh đất cũ! Vì vậy đa số nông dân bị mất đất đều lâm vào cảnh khó khăn.
Theo Tuổi Trẻ