Top

Khi khách sạn giảm giá theo… chương trình

Cập nhật 12/03/2009 15:40

Tổng cục Du lịch đã phát động chương trình giảm giá du lịch “Ấn tượng Việt Nam” cho các khách sạn và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành để thu hút du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, những người tham gia không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của chương trình.

Cách đây một tháng, khách sạn Bông Sen - Sài Gòn, nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM, tham gia ký với 17 khách sạn và 14 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại TPHCM cam kết thực hiện gói sản phẩm khuyến mãi do Tổng cục Du lịch phát động.

Từ đó đến nay, khách sạn này đã giảm giá cho 50 lượt khách hàng là những đoàn khách quốc tế với mức giảm thấp nhất là 10% và cao nhất là 25%.

Một đại diện của phòng tiếp thị và bán hàng của khách sạn này cho biết mức giảm trên chỉ dành cho khách của các hãng lữ hành, cũng như niêm yết giá trên mạng Internet. Tùy theo gói tour mà khách sạn có những mức giảm giá phù hợp nhưng không quá 30%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch TPHCM, các khách sạn tham gia chương trình chỉ muốn giảm giá 10-30% trong khi Tổng cục Du lịch đề xuất mức giảm cao nhất phải là 50% thì mới gọi là “ấn tượng” vì các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có mức giảm lên đến 80%.

Các hãng lữ hành cho biết trong thời điểm hiện nay, cũng như trong điều kiện bình thường, công ty đưa ra giá tour dựa trên mức giảm giá phòng của khách sạn (vé hàng không xem như không giảm). Do vậy, với cách giảm của các khách sạn hiện nay, giá tour sẽ chỉ giảm trong khoảng 10-30% vì nếu giảm nữa, các hãng lữ hành phải chịu thiệt thòi.

Trong một buổi hội thảo bàn về việc thúc đẩy ngành du lịch diễn ra ở TPHCM mới đây, ông Tào Văn Nghệ, Tổng quản lý khách sạn 5 sao Majestic, cho biết Majestic cũng tham gia chương trình giảm giá “Ấn tượng Việt Nam” với những mức giảm cụ thể. Tuy nhiên, ông cũng tỏ vẻ lo ngại về tính hiệu quả của chương trình.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Furama tại Đà Nẵng, cho biết Furama không tham gia vào chương trình giảm giá này vì ông cho rằng giá phòng của Furama hiện nay đã là hợp lý. “Các khách sạn tại miền Trung những năm vừa qua tăng giá rất ít nên để đảm bảo lợi nhuận, công việc và thu nhập của nhân viên, chúng tôi sẽ vẫn duy trì mức giá cũ, nhưng có thể giảm giá cho khách đoàn”, ông nói.

Ông Quỳnh cũng như một số người làm trong ngành khách sạn đều cho rằng mỗi khách sạn có một chính sách về giá. Có những khách sạn muốn có mức giá phòng cao để đảm bảo thương hiệu.

Hơn thế nữa, giá phòng cao mang lại lợi nhuận cao, giá phòng thấp mà nhiều khách có khi lợi nhuận không bằng vì chi phí sẽ cao. Vả lại, giảm giá, sau đó nâng giá lên sẽ rất khó.

“Tuy nhiên, thị trường sẽ có một mức giá đúng”, ông Quỳnh nói: “Các khách sạn cũng đang tự điều chỉnh để thu hút khách cho chính mình”.

Còn theo ông Dietmar Kielnhofer, Tổng quản lý khách sạn Sheraton Sài Gòn, đơn vị cũng không tham gia chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, những gì Chính phủ Việt Nam đang làm là rất đáng hoan nghênh vì đáp ứng được nhu cầu của nhiều người. Tuy nhiên, ông không tin rằng chỉ với những biện pháp giảm giá các gói tour thì có thể thu hút được nhiều khách du lịch.

Ông Kielnhofer cho biết Sheraton Sài Gòn có những mức giảm 20-30% cho từng loại khách đoàn vào những thời điểm thích hợp và việc giảm giá này được thực hiện thường xuyên. Theo thông tin từ phòng kinh doanh khách sạn Sheraton Sài Gòn, trong hai tháng đầu năm 2009, công suất phòng giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái vì sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Cũng có những thời điểm công suất phòng chỉ đạt 50-60% và đây là xu hướng chung của các tháng sau Tết.

Một số quản lý khách sạn 4-5 sao ở TPHCM cho biết họ vẫn giữ giá hoặc giảm chút ít vì không muốn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như dịch vụ. Hơn nữa, những khách sạn này đều được các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế quản lý. Do vậy, họ có hệ thống bán hàng và tiếp thị trên toàn cầu để tính toán và kéo khách về Việt Nam.

Một số khách sạn không tham gia chương trình này cũng cho biết họ sẽ cố gắng có thêm nhiều dịch vụ cộng thêm cho khách nhằm góp phần kéo khách ở lại Việt Nam lâu hơn. Và xem đó như một cách tự cứu mình.

Về chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, những người được hỏi đều cho rằng ngoài nỗ lực của các hãng lữ hành và khách sạn cũng cần những nỗ lực chia sẻ nhiều hơn nữa của các hãng hàng không để có giá tour “mềm” hơn cho du khách.

Sau “Ấn tượng Việt Nam” là gì?

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng các hãng lữ hành và khách sạn nên ngồi lại với nhau để có thể có một giá tour tốt nhất cho du khách. Điều này tránh được tình trạng hai bên chờ đợi lẫn nhau trong gần hai tháng qua.

Ông Cường cũng cho biết thêm, Tổng cục Du lịch đang lên kế hoạch sau khi chương trình “Ấn tượng Việt Nam” kết thúc (tháng 9-2009) - thời điểm kinh tế thế giới được dự báo là sẽ phục hồi - sẽ có lộ trình để tính lại toàn bộ giá đã giảm trong thời gian này cũng như tính toán những bước tiếp theo để tìm cách duy trì lượng khách ổn định.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG