Top

Khâu đền bù giải tỏa: Doanh nghiệp bất động sản muốn tự thỏa thuận

Cập nhật 07/05/2008 11:00

Hôm qua (6 -5), Bộ Tài Nguyên - Môi trường tiếp tục lấy ý kiến của hơn 200 doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh thành phía nam, có khoảng 17 ý kiến tập trung vào các vấn đề nổi bật liên quan đến luật đất đai và thị trường bất động sản như: quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; tài chính về đất đai và giá đất; bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất xuống 10 - 20%... Những kiến nghị của các DN sẽ được Ban dự thảo tổng hợp trình lên Chính phủ vào tháng 7 tới.

Doanh nghiệp muốn tự thỏa thuận đền bù

Nhiều doanh nghiệp ủng hộ nên giữ phương thức để chủ đầu tư tự thỏa thuận thu hồi đất trong những dự án kinh tế. Bởi theo các DN, nếu để các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất triển khai đền bù thì sẽ rất chậm và liệu tổ chức đó có cung cấp đủ diện tích đất cho DN đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hay không? Đồng thời nguồn vốn để đền bù cho hàng trăm dự án là rất lớn. Trong khi đó, mỗi DN có khoảng vài ba dự án nên sẽ chủ động về vốn để đền bù thỏa thuận với dân, từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ đền bù.

Một DN tư nhân ở Đồng Tháp kiến nghị: Nhà nước nên lo việc quản lý chung, chỉ hỗ trợ cho DN về mặt pháp lý để DN tự thỏa thuận đền bù. Nên bỏ phương án thành lập Công ty và Qũy phát triển nhà đất. Liên quan đến khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đại diện DN ở Biên Hòa bức xúc, khi chúng tôi tiến hành đền bù giải tỏa được hơn 2/3 dự án, chỉ còn một số hộ không chịu nhận tiền đền bù, đòi giá cao gấp ba so với giá bồi thường, làm cho DN gặp khó khăn. Thiết nghĩ khi DN đã đền bù khoảng 60 - 80% dự án mà không thể làm đươc nữa bởi do một số hộ không chịu giá đền bù, nên thời điểm này các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để “giải cứu” DN. Hầu hết DN đều nhất trí với đề nghị này.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan - Tổng Thư lý Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA) phát biểu, khi DN đã đền bù được 60 - 80% diện tích dự án mà gặp khó khăn thì nhà nước sẽ thu hồi phần còn lại để xử lý và sớm giao cho DN đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Loan cần có chế tài mạnh đối với những dự án treo vì có một số chủ đầu tư được giao đất từ năm 2001, mãi đến 3 - 4 năm sau cũng chưa làm xong hạ tầng, đến thời hạn giao nền cho khách hàng thì hứa hẹn. Nên việc giao đất cho chủ đầu tư cần cân nhắc, tính toán kỹ về kinh nghiệm, năng lực tài chính của chủ đầu tư và không nên giao đất cho từng trường hợp, đơn vị nhỏ lẻ.

Thành lập tổ chức thẩm định giá để tính giá bồi thường.



Cần có cơ quan thẩm định giá để tính
giá bồi thường hợp lý. Ảnh: Thanh Niên.

Khâu đền bù giá đất hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều DN bày tỏ bức xúc, đối với những dự án công cộng như xây bệnh viện, trường học, làm đường thì giá đền bù thấp, còn những công trình xây dựng nhà, khu dân cư.. lại có giá đền bù cao. Đây là một điều nghịch lý, bất bình đẳng trong việc đền bù. Các đại biểu kiến nghị cần có một tổ chức thẩm định giá để tính giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý. Song song đó, việc bồi thường cho người bị thu hồi và sử dụng đất phải công bằng, theo một khung giá thống nhất.

Riêng xác định giá đất phải phù hợp với giá của thị trường trong từng thời điểm. Đối với bảng giá đất, đa số đại biểu đồng ý nên ổn định 5 năm một lần vì sẽ tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư. Trường hợp giá đất trên thị trường của một hoặc một số loại đất trong các bảng khung giá đất có biến động thì sẽ tìm hướng giải quyết, điều chỉnh giá đất cho phù hợp.

Liên quan đến việc phân lô bán nền, đại diện Công ty tư vấn Epco cho rằng, cần khoanh vùng, quy hoạch, quản lý chặt chẽ phân lô bán nền. Nhà nước chỉ cần quản lý dự án theo tiến độ. Còn chủ đầu tư sẽ tiến hành phân lô bán nền nhưng buộc phải cam kết xây dựng dự án theo đúng tiến độ, đồng thời ngay cả người mua cũng phải cam kết xây nhà trong thời gian quy định. Làm được điều này sẽ chống được đầu cơ đất đai hoặc để đất hoang hóa.

Một điều bất cập khác trong luật đất đai hiện nay là mức thuế chuyển mục đích sử dụng đất 100% là quá cao, khiến cho người dân và DN gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, nên giảm tiền mục đích sử dụng đất còn 10 - 20%. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Horea nói, TP HCM cũng đã kiến nghị như trên nhưng hiện nay các bộ ngành vẫn chưa có hồi âm. Xóa bỏ bất hợp lý này sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho người dân và DN.

Thứ trưởng Bộ TN - MT Trần Thế Ngọc cho biết, Bộ TN - MT đã kiến nghị giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất xuống 15% hoặc 20% nếu giá quy định của nhà nước sát với giá của thị trường. Sắp tới, Bộ TN-MT sẽ có kế hoạch làm việc với Bộ Tài chính để xem xét giải quyết các kiến nghị này. Trong tháng 7 - 2008, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh dự thảo để trình chính phủ thông qua.

Phụng Giao - DiaOcOnline.vn