Những tháng cuối năm 2008, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Tổ công tác của TP Hà Nội đã tổng rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Các nhà đầu tư nơi "vùng đất mới" đang trên "chảo lửa" sát hạch. Đây là việc làm cần thiết để giải quyết tình trạng phát triển đô thị ồ ạt, gây lãng phí đất đai hiện nay...
Dự án thiếu tính khả thi, dự án... "treo"
Việc quy hoạch và phát triển các dự án đô thị ở Hà Nội sau khi sáp nhập là cần thiết, không thể để tình trạng mất cân đối giữa các vùng, các quận, huyện của Thủ đô. Có thể thấy phần lớn các dự án quy hoạch hiện nằm ở "vùng đất mới" phía Tây Hà Nội (tức Hà Tây cũ).
Trong vòng 5 năm phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, từ năm 2003 đến hết năm 2007, các địa phương của Hà Nội giao 11.500ha đất. Nhưng 7 tháng đầu năm 2008, số đồ án được phê duyệt tăng vọt, diện tích đất được giao làm đô thị lên tới 11.800ha.
Sau khi mở rộng, Hà Nội vẫn còn 905 dự án phải GPMB (có dự án khoảng 300-400ha, nhưng nhiều dự án lên tới hàng nghìn héc ta). Một điều đáng lưu ý nữa là hầu hết các dự án này được thực hiện theo kiểu… chờ. Chờ thực hiện xong hạng mục này, chuyển giao cho cơ quan nhà nước rồi cơ quan nhà nước giao lại cho nhà đầu tư thực hiện tiếp.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh cho rằng, việc "khoanh vùng" ồ ạt các dự án như hiện nay mà không có giám sát là rất nguy hiểm, gây hậu quả khó lường. Nông dân mất ruộng, phải chờ các dự án mà thị trường bất động sản còn "đóng băng" như hiện nay, thì tất yếu các dự án sẽ bị "treo".
Theo ông Hanh, việc phát triển đô thị cần cân bằng giữa cung - cầu và còn phải tính đến vấn đề môi trường. Nếu tất cả các dự án khi thực hiện đều san lấp hết đồng ruộng thì nguy cơ vô cùng lớn cho môi trường. Việc xây dựng quá nhiều, mà bỏ hoang còn gây lãng phí...
Tình trạng này không thể "đổ" hẳn cho khu vực phía Tây đã ồ ạt phê duyệt các dự án trước tháng 8-2008, mà thực tế có rất nhiều khu đô thị lớn ở Hà Nội đến 10 năm nay vẫn chưa GPMB xong, hoặc đã hoàn thành dự án, nhưng chỉ có "lác đác" vài hộ đến sống. Vấn đề đặt ra là tính khả thi của các dự án và làm sao để giải quyết tổng thể quy hoạch đô thị.
Sát hạch là cần thiết
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa XIII diễn ra hồi đầu tháng 12-2008, Ông Đào Xuân Mùi, đại biểu HĐND huyện Thanh Trì cho rằng, thành phố phải có lộ trình công bố tiến độ sắp xếp các dự án đầu tư, trên cơ sở đó có kế hoạch triển khai GPMB, để người dân đỡ khổ, tránh lãng phí.
Ông Ngô Văn Ny, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm đề nghị TP phải có cuộc tổng rà soát và xử lý dứt điểm dự án treo theo quy định của Luật Đất đai, những dự án nào chậm tiến độ 12 tháng phải được thu hồi.
Thực tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước và sau khi Hà Nội mở rộng, Bộ Xây dựng đã tổng rà soát lại các đồ án quy hoạch, dự án đô thị ở các "vùng đất mới". Vụ trưởng Vụ Quản lý kiến trúc - Quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng) Phan Mỹ Linh cho biết, những dự án quá gượng ép về mặt quy mô sẽ được xem xét.
Các dự án đã, đang triển khai cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Có một số dự án đô thị đã phải tạm dừng, có dự án bị hủy bỏ và có dự án còn tiếp tục xem xét. Ví dụ, tại huyện Đan Phượng, trong số 15 dự án đô thị mới được triển khai, có 8 dự án được tiếp tục thực hiện, 6 phải tạm dừng và 1 bị ngừng hẳn.
Lượt sát hạch thứ 2 cũng đã được quyết định sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đi thị sát khu vực phía Tây. Ông Thảo lo ngại về tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở khu vực này, nếu như quỹ đất dọc hai bên các trục lớn đều đã thuộc về chủ đầu tư thì có thật sự đem lại lợi ích cho việc phát triển kinh tế - xã hội?
Tháng 10-2008, Chủ tịch UBND TP đã ký Quyết định số 1190/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình làm Tổ trưởng. Tổ công tác rà soát, tổng hợp, đánh giá các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Giữa tháng 11-2008, UBND TP tiếp tục phê duyệt kế hoạch rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Thông qua rà soát, Tổ công tác sẽ đề xuất đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nào được tiếp tục triển khai; đồ án, dự án nào tạm dừng, chờ điều chỉnh quy hoạch, hoặc dừng hẳn...
Dù muốn dù không, một số dự án sẽ bị loại bỏ do không phù hợp với mục tiêu phát triển chung của thành phố. Chắc chắn, sau đợt này, vấn đề quy hoạch đô thị sẽ được điều chỉnh một cách tổng thể, chứ không chắp vá và ồ ạt như trước.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới