Top

Hợp tác xã nhà ở gặp khó

Cập nhật 19/07/2007 10:00

Hàng nghìn hộ thu nhập thấp tại Hà Nội và Tp.HCM sẽ có nhà từ dự án phi lợi nhuận Hợp tác xã nhà ở do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với hai đối tác của Thụy Điển thực hiện.

Nhưng gần 4 năm nay, dự án vẫn chưa thể triển khai vì thiếu đất và vốn.

Theo ông Nguyễn Duy Nhật, Phó ban chính sách phát triển Hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mô hình Hợp tác xã nhà ở đã có từ hàng trăm năm trên thế giới. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển như Đan Mạch, Đức, Thuỵ Điển... mô hình này vẫn đang được phát huy rộng rãi.

Cơ hội nhà ở cho người thu nhập thấp

Ông Nhật cho biết, Hợp tác xã nhà ở là tổ chức kinh tế xã hội được thành lập với mục tiêu cung cấp nhà ở liên tục và lâu dài cho xã viên. Giá một căn hộ xã viên được mua thấp hơn 30% so với giá thị trường.

Xã viên ở đây bao gồm những người có lương ổn định nhưng ở mức thấp và trung bình khá, chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá chật chội (dưới 6m2/người), có nhiều thế hệ chung sống trong một nhà.

Muốn trở thành xã viên Hợp tác xã nhà ở, đối tượng trên phải tham gia vào chương trình Tiết kiệm nhà ở. Theo đó, xã viên góp trước 30% số tiền/một căn hộ định mua vào chương trình tiết kiệm, 70% còn lại sẽ được Hợp tác xã liên hệ với ngân hàng hay tổ chức tài chính để xã viên vay và trả dần hàng tháng.

Khi tham gia chương trình Tiết kiệm nhà ở, mỗi xã viên đóng góp theo mức 100 nghìn - 300 nghìn đồng/tháng và cứ 100 nghìn đồng thì được tính một điểm. Quy định cũng khống chế mỗi người không được phép đóng hơn vì đề phòng trường hợp đầu cơ đầu tư vốn vào đây.

Chương trình Tiết kiệm nhà ở, ngoài việc mang lại tích luỹ hàng tháng cho xã viên theo lãi suất ngân hàng, xã viên có thể rút lãi suất và một phần vốn gốc bù đắp vào 30% chi phí trả trước/mỗi căn hộ thì nó còn là cơ sở tính điểm xếp hàng mua nhà theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp.

Điều thú vị là số điểm tiết kiệm được Hợp tác xã nhà ở coi như một thứ tài sản có thể làm quà tặng hoặc thừa kế cho người thân trong gia đình trong việc hưởng lãi suất và tính điểm mua nhà nếu chưa được mua.

Ngoài ra, một loại đối tượng khác cũng có thể tham gia chương trình Tiết kiệm nhà ở để trở thành xã viên Hợp tác xã nhà ở là những người không có lương cố định. Tuy nhiên, quỹ nhà dành cho đối tượng này chỉ khoảng 40% trong khi 60% dành cho đối tượng đầu tiên.

Điểm khác biệt lớn nhất so với các quỹ nhà chung cư, tái định cư là mô hình Hợp tác xã nhà ở hoàn toàn phi lợi nhuận.

Ưu điểm thứ hai là chương trình này hướng vào đối tượng có thu nhập thấp (1,2 triệu đồng/tháng) khó tiếp cận với nhà ở với giá 15 triệu đồng/ m2 lên trong các quỹ nhà thương mại trên thị trường.

Ưu điểm thứ ba, trong các khu nhà thuộc chương trình Hợp tác xã nhà ở, người dân hoàn toàn làm chủ và hưởng lợi các dịch vụ gia tăng như trông xe, cho thuê tầng hầm, bán hàng...

Theo Nguyễn Mạnh - VnEconomy