Sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, năm 2008, cũng là thời điểm cho một cơn "sốt" nhà đất khu vực vùng đất ven đô thuộc huyện Mê Linh, Hòa Bình, Hà Tây cũ… Đây cũng là vùng đất tiềm năng lướt sóng được nhiều nhà đầu cơ săn tìm ráo riết.
Thậm chí, những vùng xa hơn như Chương Mỹ, Ba Vì… Hà Tây cũ sau khi về Hà Nội, nơi có dự án nhà ở sinh thái, đất đồi núi hoang vu cũng được dân đầu cơ bỏ tiền mua. Vậy là nhà nhà đầu cơ đất, người người tìm mua đất, phong trào mua gom, đầu cơ đất vùng ven đã nhiều người a dua nhau tạo lên một “cơn sốt” bất động sản.
Trong 5 năm mở rộng địa giới, có không ít nhà đầu tư vay ngân hàng, vay lãi cao để lướt sóng, đầu cơ vào vùng đất ngoại ô đầy tiềm năng, khi thị trường lên nhà đầu tư đều có lãi. Nhưng đến nay, khi nhà đất các vùng này giảm giá mạnh, sức ép trả ngân hàng khiến nhiều người đầu cơ cũng phải bán tháo để trả nợ.
PV liên hệ gặp được anh T.L (Hà Đông) một trong những đại gia bất động sản thời kỳ Hà Nội mở rộng địa giới hành chính mà chúng tôi đã từ quen biết. T.L kể, cách đây chừng 6 -7 năm, anh có chút vốn, nhờ vào quan hệ may mắn mua được 2 lô đất, diện tích hơn 200m2 khu vực ngoại ô Hà Đông với giá “hời”, chỉ có 4 triệu đồng/m2.
Nhà đất khu vực cách HN chừng 20km, đỉnh điểm sốt lên tới 40 triệu đồng/m2, nay chỉ khoảng 15 triệu đồng
|
Khoảng vài tháng sau, 2 lô đất của T.L có người ngã giá trả cả chục triệu đồng/m2, lời một gấp đôi nhưng anh không bán. Sau khi địa giới hành chính mở rộng, 2 lô đất của anh nhiễm nhiên thuộc về một phường quận Hà Đông (Hà Nội). Và cũng là lúc đất cát trong vùng được giới đầu cơ, cò tung tin đẩy giá mua bán lướt sóng kiếm lời.
Hai lô đất của T.L được trả tới ngót 40 triệu đồng/m2, T.L quyết định bán đi để lấy vốn mua những mảnh đất khác, cầm tới gần chục tỷ trong tay T.L ngỡ mình nằm mơ, rồi sẵn tiền đầu tư xây dựng nhà cao, cửa rộng, mua ô tô bạc tỷ.
T.L tiếp tục tìm về các vùng xa hơn như Chương Mỹ, Thanh Oai… để tìm mua đất thổ cư có tiềm năng. Và đến cuối năm 2009, T.L lại lướt sóng bán thành công thu về bạc tỷ từ những lô đất này. Sau đó, để làm ăn quy mô hơn, anh T.L liêu ôm lô đất cả nghìn m2 ở một huyện ngoại thành với giá tới gần 30 triệu đồng.
Ngoài ra còn đầu cơ mỗi nơi một vài lô đất nền ở dự án Lê Trọng Tấn, căn hộ chung cư Xa La… Tính sơ tới cả chục lô đất, căn hộ lớn nhỏ. Với số tiền có hạn T.L quyết định vay ngân hàng lãi suất cao, dốc hết vốn liếng vào đất chờ cơn sốt mới bán kiếm lời.
“Nào ngờ đến cuối năm 2010 thị trường bắt đầu đi xuống, những lô đất tôi mua trước đó rao bán đều không có khách, hoặc nếu có khách thì trả rẻ hơn so với giá mua. Gần 3 năm qua, tôi “chết chìm” với những lô đất giá giảm tới hơn 1 nửa. Mỗi tháng gia đình phải trả lãi ngân hàng tới 60 – 70 triệu đồng.” – anh T.L than thở.
Nhiều người méo mặt trả nợ ngân hàng vì ôm quá nhiều đất ngoại ô
|
Thực tế, cú "nốc - ao" của thị trường bất động sản khiến nhiều "đại gia" phá sản, nợ nần chồng chất. Những vụ vỡ nợ do "đại gia bất động sản" gom tiền "tín dụng đen" đánh "sóng" thị trường cũng đã lộ diện.
Bên cạnh đó, các dự án của "đại gia" bất động sản cũng chung số phận, đầu ra không có, dự án nằm không vì không thể vay vốn triển khai tiếp trong khi lại bị ngân hàng thúc trả nợ. Một chủ đầu tư dự án than thở: "Phải bán nhà đất để gom tiền trả nợ ngân hàng, nếu quá hạn bị chuyển sang lãi suất trên 30% thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản".
Cùng chung với số phận anh T.L, chị Vũ Hà (Đống Đa – Hà Nội) có máu mê kinh doanh bất động sản. Chị có tới 3 căn hộ chung cư, 4 lô đất ở khu vực Chương Mỹ, Ba Vì và phần lớn số tiền đi vay từ ngân hàng. Từ cuối năm 2010, giá nhà đất cứ giảm dần chị Hà rao bán tháo được 2 căn hộ và 1 lô đất với giá bằng hơn ½ để lấy tiền trả ngân hàng.
Chị Hà sốt ruột: "Tiền lãi trả ngân hàng mỗi tháng tốn lắm. Muốn bán hết số đất cát đó đi, mong vớt vát được chút vốn để trả đỡ ngân hàng. Cứ đà thị trường đi xuống này, những người đầu tư như chúng tôi chắc thiệt đơn, thiệt kép".
Cũng theo chị Hà, từ đầu năm đến nay, nhiều người có tìm đến hỏi trả rẻ quá, nghĩ bỏ tiền tỉ ra mua một lô đất ngoại ô, mà nay chỉ bán với 500 – 600 triệu mà đắng lòng.
Trong phong trào a dua tạo lên cơn sốt đó, người am hiểm thị trường thì ít, phần đông chưa hiểu gì về thị trường, chủ yếu là người dân lao động, hay những cán bộ, viên chức làm nghề tay trái. Kẻ được lợi cũng nhiều mà kẻ khuynh gia bại sản, vỡ nợ cũng không thiếu. Những đại gia lớn bất động sản điển hình khu vực Hà Tây cũ vỡ nợ như Nguyễn Thị Cúc (Phú Xuyên- Hà Nội), vợ chồng Quang Quyên (thị trấn Phùng- Hà Nội)...
Khi bong bóng bất động sản vỡ lan rộng ra ngoại ô, thì những đầu cơ “ma” nhà đất giá cao thì nay phải chôn tiền ở đó, vì giá đã giảm tới hơn ½ so với thời mở động địa giới hành chính. Những lô đất, căn hộ được các nhà đầu cơ bán tháo, chấp nhận mất một nửa để trả nợ. Thậm chí có người mất cả tài sản tích cóp, tiền bán nhà đất dự án không đủ trả nợ vay ngân hàng.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet