Việc Hà Nội và TPHCM liên tục đưa ra các chính sách cứng rắn đối với các doanh nghiệp BĐS đang khiến nhiều người cho rằng thị trường đang dần trở nên thực chất và minh bạch hơn.
Hàng loạt dự án bị “sờ gáy”
Những ngày đầu năm 2013, vụ việc dự án Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội) bị Sở Xây dựng Hà Nội đình chỉ thi công do chưa có giấy phép xây dựng đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Bởi tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại 27 tầng do Công ty TNHH Hòa Bình và CTCP Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư này vốn là một dự án khá đình đám tại thời điểm mở bán.
Không chỉ bởi danh xưng cao cấp, kết cấu của các tòa nhà dự án này theo chủ đầu tư có khả năng chống chịu động đất lên đến cấp 8 (cao hơn quy định của Bộ Xây dựng) - vốn là thông tin “nóng” sau khi Hà Nội xảy ra những trận động đất vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Hòa Bình Green City chỉ là 1 trong 788 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012. Hiện vẫn còn 18 công trình và trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục xử lý.
Ngoài ra, Hà Nội cũng ra “tối hậu thư” cho nhiều dự án về việc hoàn thiện hạ tầng, thậm chí quyết định thu hồi đất.
Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS, UBND TP Hà Nội cho biết năm 2012, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã trình UBND xem xét quyết định thu hồi đất của 16 tổ chức, trong đó có một số diện tích lớn như 803ha tại 6 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Thạch Thất của CTCP Tập đoàn Nam Cường; dự án xây dựng nhà ở để bán (phường Quảng An, Tây Hồ) của CTCP Đầu tư Xây dựng Gia Lâm với diện tích 10.377m2; dự án xây dựng chung cư bán (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì) do CTCP Xây lắp và xây dựng số 7 làm chủ đầu tư, diện tích đất thu hồi là 2.191m2…
Đặc biệt, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thu hồi đất của 7 tổ chức với tổng diện tích đất 51.000m2. Trước đó, Hà Nội đã “điểm mặt” 10 dự án có vấn đề về hạ tầng và yêu cầu phải hoàn thiện trong quý I-2013.
Tại TPHCM, Sở TN-MT cho biết có đến 30/261 dự án nhà ở với diện tích 384/22.000ha được chấp thuận địa điểm đầu tư, nhưng chưa có quyết định giao đất, sẽ bị thu hồi do có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích đất dự án.
57 dự án đã bồi thường từ 50-80% diện tích, TP chỉ xem xét gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư lần cuối với thời hạn tối đa 12 tháng.
Riêng đối với 123 dự án đã thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng chưa có tiền đầu tư, TP cho phép giãn tiến độ để các chủ đầu tư chuyển nhượng dự án, hoặc liên kết đơn vị khác để thực hiện, chuyển sang sử dụng mục đích khác.
Tại cả anh và ả
Theo nhiều chuyên gia, việc Hà Nội và TPHCM quyết liệt đối với các dự án BĐS là điều không thể tránh khỏi bởi yêu cầu giải cứu thị trường BĐS hiện nay. Nếu tiếp tục để các dự án phát triển không kiểm soát, chắc chắn thị trường sẽ khó đi vào trạng thái cân bằng, thực chất, việc giải quyết các vấn đề yếu kém nổi cộm của thị trường cũng sẽ không được triệt để.
Trên thực tế, việc các chủ đầu tư bán nhà theo kiểu “đem con bỏ chợ” đã trở thành cơm bữa tại Hà Nội và TPHCM. Người dân bắt buộc phải chấp nhận sinh sống trong những khu đô thị không chợ, không bệnh viện, không trường học, thậm chí điện và nước sinh hoạt cũng vô cùng khó khăn.
Nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỷ đồng do các chủ đầu tư “ôm” đất nhưng không triển khai dự án. Nhiều chủ đầu tư cũng đã tiến hành kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặt”, mở bán khi chưa xây xong móng, thậm chí chưa có giấy phép xây dựng.
Chính vì vậy, việc Hà Nội và TPHCM mạnh tay thu hồi, đình chỉ hoặc giãn tiến độ dự án tại thời điểm này vẫn là hơi muộn.
Dự án Hòa Bình Green City, công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012.
|