Cò đất tư vấn bán nhà ngay tại quán trà đá vỉa hè không chỉ gây hình ảnh xấu mà còn làm mất niềm tin của người mua nhà. Sau thời gian phát triển tự phát, môi giới BĐS - hay còn gọi là cò đất - đã góp phần làm thị trường thêm méo mó.
Bát nháo cò đất
Đang lớ ngớ hỏi thăm đường lên nhà bạn ở một khu đô thị mới quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ gặp lời chào đon đả của hai nhân viên ăn mặc rất lịch sự từ ngoài cổng. Đang không biết đường đi lối lại, có người hỏi thăm, chị Linh khá bất ngờ.
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện chị mới biết, đây là đội ngũ nhân viên môi giới BĐS của một sàn tại Hà Nội. Một phần của dự án đang được mở bán, nhân viên bị lùa tới sân của khu đô thị để bắt khách từ sáng tới chiều tối.
Hiện tất cả các dự án mà sàn này phân phối đều có đội ngũ nhân viên thường trực tại đó. Ngoài khách đã liên lạc trước, họ còn phải giới thiệu, mời chào nên nhóm đối tượng khách vãng lai như chị Linh cũng là một nguồn quan trọng.
Đội ngũ cò đất đông đảo
|
Câu chuyện kết thúc, nhân viên môi giới này ngoài việc xin số điện thoại còn dúi vào tay chị tập hồ sơ hình ảnh dự án và lời khuyên hấp dẫn: “Chị mua ngay đi, đang có nhiều ưu đãi”.
Cùng với sự ấm lại của thị trường BĐS, đội ngũ cò nhà đất cũng tái xuất một cách hùng hậu không kém. Qua các đợt mờ bán tại nhiều dự án mới thấy sự đông đảo của đội ngũ này. Không ít nhóm đối tượng chỉ hoạt động dưới hình thức đứng giữa làm môi giới, nhận hoa hồng, mọi vấn đề khác đều mặc cho người mua nhà chịu trách nhiệm.
Theo các chuyên gia BĐS, việc hoạt động theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” khiến môi giới BĐS chuyên nghiệp không có được cái nhìn thiện cảm của nhiều người.
Ông Phạm Thành Hưng, đại diện Cen Group, chia sẻ, không ít các nhân viên môi giới hiện nay mặc dù độc lập nhưng lại lấy mác của sàn đã làm trước đó, hoặc chỉ làm cộng tác viên, chính vì thế không thể kiểm soát được.
Chưa kể theo quy định, người hoạt động môi giới BĐS cần phải học qua các lớp đào tạo, có chứng chỉ hành nghề môi giới. Song, trên thực tế, loại chứng chỉ này vẫn chưa được xem trọng và việc đào tạo vẫn mỗi nơi mỗi kiểu, không có được sự thống nhất.
“Mặc dù đã có rất nhiều quy định về hoạt động hành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên những quy định, chế tài cụ thể đối với từng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này chưa nhiều và còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến các cá nhân hoạt động môi giới còn tự phát, tự do. Đặc biệt, chất lượng hành nghề kém, lộn xộn, phát sinh nhiều tiêu cực như không trung thực, lừa đảo khách hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhỏ” - ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định.
Thi sát hạch để lấy chứng chỉ
Theo ông Đoàn Chí Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam, sắp tới sẽ có sự sàng lọc rất lớn. Những nhà môi giới làm ăn bát nháo, lôm côm, chụp giật sẽ khó mà trụ được với nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết, trước đây môi giới chỉ cần qua một khóa đào tạo, sau đó Sở Xây dựng sẽ cấp chứng chỉ và được hành nghề. Nhưng từ 1/7, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực, người hành nghề môi giới phải qua đào tạo, sau đó phải thi sát hạch, nếu đạt mới được cấp chứng chỉ.
Theo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, mỗi năm Bộ Xây dựng tổ chức ít nhất 1 kỳ thi sát hạch tùy theo số lượng thí sinh đăng ký và có thể tổ chức tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam về kiến thức môi giới BĐS.
Trước đó, ngày 27/5 Hiệp hội BĐS Việt Nam đã chính thức thành lập Hội môi giới bất động sản nhằm đáp ứng sự phát triển của nghề trong tương lai. Đặc biệt, hạn chế môi giới thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chụp giật, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Đánh giá của các chuyên gia, với nhiều quy định mới về môi giới sắp tới thị trường sẽ có một cuộc sàng lọc lớn đối với đội ngũ này. Những môi giới không có đạo đức, thiếu trách nghiệp, lợi dụng thị trường đẩy giá lên cao,... sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, kết quả của những nỗ lực này như thế nào, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, không thể có được trong một sớm một chiều.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef