Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện toàn TP có 744 đồ án quy hoạch, dự án (DA) đầu tư xây dựng trên địa bàn, với quy mô diện tích mặt bằng 61.767ha.
Trong số 306 đồ án quy hoạch, mới có 133 đồ án quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số còn lại đang lập trình thẩm định quy hoạch với quy mô 21.155ha. Trong số 438 DA đã phê duyệt đầu tư, có 213 DA đã có quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 14.100ha; 193 DA đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng đi vào hoạt động.
Bên cạnh những tác động tích cực về phát triển kinh tế - xã hội thì việc triển khai các DA nói trên đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập trên nhiều phương diện. Việc chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng nên các DA trong cùng một khu vực chưa gắn kết hỗ trợ cho nhau. Sự phân bổ các DA thiếu tập trung, chưa hài hoà. Số DA phát triển bất động sản, KĐTM còn quá nhiều. Đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, hợp lý đang tiềm ẩn một tương lai phát triển thiếu bền vững.
Đó là khu đô thị làng cổ Việt của chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại HSTC tại La Phù, với quy mô diện tích 56ha, quy hoạch chi tiết 1/500 và DA được phê duyệt cách nhau có 4 ngày và đều vào cuối tháng 7/2008 (trước thời điểm Hà Tây sát nhập vào Hà Nội). Khu đô thị An Thịnh 3 do Cty CP Đầu tư Xây dựng Đông Dương làm chủ đầu tư, ngày 21/7/2008 được phê duyệt quy hoạch thì ngày 30/7/2008 đã được cho phép đầu tư xây dựng... Đây quả là những DA "siêu tốc độ" từ trước tới nay chưa hề thấy!
Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, toàn huyện có diện tích 94,3km2, nông thôn chiếm tới 93%, nhưng chỉ hai năm trở lại đây, tất cả các DA đầu tư trên địa bàn huyện đã chiếm tới 5.000ha đất, trong đó có 36 DA khu đô thị và 20 DA khu nhà ở nhỏ lẻ; nhiều DA được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư ngay trước thời điểm Hà Nội mở rộng chỉ ít ngày. Ví dụ như Khu đô thị Mai Linh tại Song Phương - Tiên Yên diện tích 139ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 ngày 16/6/2008 thì ngày 23/7/2008 đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 và chia nhỏ, trong đó Cty TNHH Thống Nhất được chia 3,62ha để lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở và biệt thự. Cty CP ôtô xe máy Hà Nội và Cty CP Tập đoàn tài chính Mê Kông lập DA khu nhà ở dịch vụ thương mại cao cấp Mekong- Vân Canh với quy mô 13,27ha, phê duyệt quy hoạch ngày 14/7/2008 thì ngày 28/7/2008 đã được phê duyệt. Quả là "siêu tốc".
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu, kiên quyết dừng những DA không phù hợp với quy hoạch, không đáp ứng các điều kiện và thủ tục, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đối với những DA thuộc diện phải điều chỉnh, hạn chế thấp nhất khó khăn, thiệt hại cho xã hội và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện đã có trên 100 DA đầu tư đang phải tạm dừng chờ nghiên cứu quy hoạch chung Hà Nội, có những DA đã triển khai đến khâu thu hồi đất nhưng cũng phải dừng lại. Ví dụ như DA khu biệt thự nhà vườn tại Tiến Xuân (trước thuộc huyện Lương Sơn - Hoà Bình) sát nhập vào Hà Nội thuộc địa giới huyện Thạch Thất, chủ đầu tư là Cty Xây dựng Trường Giang. DA này chiếm 22,4ha đất, mặc dù đã có đầy đủ thủ tục về đầu tư, thu hồi đất nhưng do phải chờ quy hoạch chung của Hà Nội sau khi mở rộng nên DA đang phải tạm dừng.
Lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cũng cho biết, huyện có trên 50 đồ án quy hoạch, DA đã được phê duyệt trước khi hợp nhất về Hà Nội với tổng diện tích chiếm đất khoảng 6.000ha, nhưng duy chỉ có 1 DA được tiếp tục triển khai nếu đối chiếu với kết quả rà soát của Bộ Xây dựng ở thời điểm hợp nhất. Tất cả số còn lại đều phải dừng chờ quy hoạch chung của Hà Nội.
Dự án nào phải dừng hẳn, DA nào tạm dừng, DA nào tiếp tục triển khai đã và đang là bài toán hết sức nan giải và phức tạp. Chính vì vậy mà quy trình rà soát đã được Bộ Xây dựng, tiếp đó là UBND TP Hà Nội đã trải qua thời gian khá dài tới 7 tháng... Không chỉ DN mà ngay các địa phương mong muốn kết quả rà soát sớm được công bố. Bởi ước tính, số chủ đầu tư bị ảnh hưởng do rà soát DA, nhất là ở khu vực phía Tây Thủ đô, có thể lên tới hàng trăm. Mất đi cơ hội triển khai DA trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào đang hạ, lãi suất ngân hàng giảm, cơ hội vay vốn ưu đãi, DN còn phải đối diện với những hệ luỵ khi không được tiếp tục triển khai DA.
Về vấn đề này, trung tuần tháng 4/2009, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cho biết, TP sẽ trình Chính phủ quyết định danh sách cụ thể những DA được tiếp tục triển khai hay tạm dừng để điều chỉnh hoặc dừng hẳn, trên cơ sở tiêu chí mà UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã thống nhất. Sau khi TP báo cáo cụ thể DA nào phải dừng hẳn, DA nào tiếp tục được triển khai, DA nào phải tạm dừng chờ điều chỉnh quy hoạch... Chính phủ sẽ xem xét quyết định trong tháng 6/2009 để các DA đủ điều kiện, tiếp tục triển khai bảo đảm yên tiến độ của các DA.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng