Đa số các hộ đều gặp khó khăn trong cuộc sống do xa nơi làm việc cũ, không được buôn bán ở căn hộ chung cư.
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND quận 2, ông Hứa Ngọc Thảo, tại buổi tọa đàm về chăm lo đời sống người dân sau tái định cư (TĐC) do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức ngày 30-6.
Thu nhập bấp bênh
Theo ông Thảo, sau khi được TĐC, đa số các hộ dân đều có chỗ ở khang trang, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt hơn nơi ở cũ. “Tuy vậy, đa số các hộ đều gặp khó khăn trong cuộc sống do xa nơi làm việc cũ, không được buôn bán ở căn hộ chung cư. Hộ có số tiền bồi thường thấp ít có khả năng trả chậm, trả lãi vay” - ông Thảo nhận xét.
Ông Trần Văn Thận, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TP, thông tin thêm: Theo kết quả khảo sát được tiến hành vào tháng 11-2013 tại tám quận, huyện với 498 hộ đã được bồi thường từ năm 2010, có 57% hộ dân cho rằng thu nhập không tăng lên, 29% đánh giá giảm sút và 14% cải thiện hơn.
Quán cóc này mỗi ngày mang lại cho bà Nguyễn Thị Kiểu, ngụ A3.04 chung cư Lý Chiêu Hoàng khoảng 100.000 đồng nên cuộc sống gia đình khá chật vật. Ảnh: M.QUÝ
|
Nóng lòng chuyện mưu sinh
Chung cư Lý Chiêu Hoàng, phường An Lạc, quận Bình Tân là nơi bố trí TĐC cho hơn 500 hộ dân bị giải tỏa để xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ sau khi được bố trí TĐC, cuộc sống của một số hộ dân tại đây gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kiểu, ngụ A3.04 chung cư Lý Chiêu Hoàng, cho hay trước đây gia đình bà ở quận 5, do gần chợ nên buôn bán lặt vặt cũng đủ sống qua ngày. Từ khi chuyển về đây, do không có công việc làm ổn định nên bà mở quán cóc bán nước để mưu sinh, ngày bán nhiều nhất cũng chỉ lời 100.000 đồng.
Tương tự, ông Trần Cường (A2.10 chung cư Lý Chiêu Hoàng) than thở: “Ngày trước ở quận 5 tôi có một tiệm may nhỏ nên cuộc sống cũng ổn định. Từ khi chuyển qua đây, vì không có nơi mở cửa hàng nên tôi đành bỏ nghề. Giờ ai kêu gì làm nấy nhưng công việc ngày có ngày không. Mấy lần tôi định quay về chỗ cũ để mướn mặt bằng mở tiệm may nhưng không đủ tiền nên đành thôi”.
Còn tại chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, ông Ngô Thanh Hải ngụ 206 B1-2 cũng không giấu sự lo lắng khi nói về tương lai. Đại gia đình ông có 11 người nhưng chỉ có hai người phụ nữ làm ăn xa nuôi chín người còn lại. “Nhiều lúc cứ muốn về lại chỗ cũ ở quận 6 để buôn bán lặt vặt đắp đổi cuộc sống chứ ngồi chơi hoài nóng ruột lắm. Đã vậy, chung cư lại nhanh xuống cấp, không có tiền nên tôi cũng không dám sửa mấy chỗ nứt” - ông Hải thở dài.