Top

Hậu giải tỏa, di dời: 1.001 chuyện... muốn khóc

Cập nhật 13/11/2008 01:00

Bài 1: Tạm cư: “chờ hoài, mệt quá!”

Một dự án mới mọc lên, nhiều hộ dân trong vùng giải tỏa phải ra đi. Trong đó có không ít người phải sống tạm cư chờ nhà tái định cư hết năm này qua năm khác. Các nhà chức trách không ít lần tuyên bố quyết tâm chấm dứt tình trạng tạm cư nhưng việc này xem ra vẫn chưa có hồi kết.

Dù chưa nhận được tiền đền bù nhưng cuối năm 2004, ông Đồng Mậu Dần - một hộ dân ở dự án tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12 - vẫn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (Công ty Công trình giao thông công chính TP.HCM). Cả gia đình đùm túm đi thuê nhà tạm cư và chờ đợi gần bốn năm qua.

Muôn nẻo… tạm cư


Không chịu nổi tiền thuê nhà, cả gia đình ông Dần lại dắt díu nhau quay về căn nhà cũ đã bị tháo hết cửa, vật dụng để tiếp tục… tạm cư. Điện thắp sáng, điện thoại đều bị cắt hết, ông phải câu nhờ người dân xung quanh.

Ông Dần cho biết con cái học hành phải mượn địa chỉ nơi khác, công việc làm ăn của gia đình bị đình trệ…Theo ghi nhận của chúng tôi, trường hợp phải tạm cư ngay trên mảnh đất của mình như ông Dần không phải là cá biệt.

Bà Trần Thị Nước - một hộ dân thuộc dự án khu dân cư An Sương - chỉ vào ngôi chợ to đùng nói: “Họ giải tỏa bằng được ngôi nhà của tôi để xây chợ. Nhưng chợ xây xong mấy năm nay mà không thấy ai buôn bán gì”. Bà Nước hiện đang ở tạm trong căn phòng khoảng 20m2 tại khu đất thuộc dự án để chờ nền tái định cư. Lúc giao đất, chủ dự án - Công ty TNHH một thành viên Phát triển và kinh doanh nhà TP.HCM - hứa trong 24 tháng sẽ giao nền đất tái định cư nhưng đã năm năm nay vẫn không thấy nền đâu.

Trong số các khu tạm cư trên địa bàn TP.HCM, có lẽ khu Cù Lao Chà (quận Bình Thạnh) là một trong những khu tạm cư “cổ” nhất. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Tiến bắt đầu tạm cư tại đây từ năm 1998.

Ban đầu, Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh (chủ đầu tư dự án chung cư Trường Sa) hứa với anh chỉ tạm cư hai năm là có nhà chung cư để ở. Nhưng sau mười năm chờ đợi, chung cư vẫn “biền biệt”. Nhà tạm cư dột thì tự lợp lại, nền nhà xấu và thấp bị ngập nước thì gia đình anh tự nâng nền, mua gạch bông về lát. “Không ai chờ đợi chung cư tái định cư nữa vì chờ hoài, mệt quá!” - anh Tiến nói.

Tiếp tục chờ... và không được khiếu nại


Theo UBND quận Bình Thạnh, đến nay còn 72 hộ tạm cư thuộc các dự án sử dụng vốn ngân sách đang tiếp tục chờ giải quyết tái định cư. Đáng lưu ý, 55 căn nhà tạm cư dưới đường điện cao thế ở phường 13 vẫn chưa “xóa” được vì còn đang chờ TP giải quyết chính sách. Tương tự, khu tạm cư Bạch Đàn, phường 27 cũng còn nhiều hộ tạm cư.

Tại quận 8, hiện còn khoảng 30 trường hợp chờ khá lâu chưa được tái định cư. Khi giải tỏa, số hộ này được quận hứa bố trí nền tái định cư ở phường 5. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hầu - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận, hiện trên địa bàn phường 5 chưa có nền tái định cư để bố trí cho người dân như đã cam kết ban đầu.

20 hộ dân bị giải tỏa trong dự án nút giao thông Quang Trung (quận 12, TP.HCM) đã bốc thăm xác định vị trí nền tái định cư tại khu dân cư An Sương (phường Tân Hưng Thuận, quận 12) khoảng giữa năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa được giao nền.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12, nếu các hộ dân này chấp nhận chờ nhận nền tái định cư tại các vị trí như đã bốc thăm thì phải cam kết trong thời gian chờ không được khiếu nại. Còn chờ đến lúc nào thì... chưa biết.

Giải thích về việc còn hộ dân tạm cư, Sở Xây dựng TP cho biết có nhiều nguyên nhân: có hộ muốn chờ được nhận suất tái định cư tại chỗ mà không nhận tiền tạm cư, có trường hợp không liên lạc được, một số hộ khiếu nại nên chưa bố trí tái định cư được…

Trên thực tế có một số dự án không tái định cư cho dân đúng như cam kết ban đầu. Tình cảnh này đã đưa người dân vào thế phải lựa chọn: hoặc tiếp tục tạm cư để chờ nhận suất tái định cư, hoặc phải chấp nhận tái định cư ở những nơi xa hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - phó giám đốc Sở Xây dựng, hiện có tình trạng chủ đầu tư một số dự án tiếp tục thất hứa với dân trong việc bố trí tái định cư, trong thời gian tới vẫn có thể tiếp tục phát sinh tạm cư.

Yêu cầu của Thành ủy và UBND TP là tái định cư tại chỗ, không đưa người dân đi quá xa. Chỗ ở mới tối thiểu phải bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Nếu không có quỹ nhà tái định cư thì không được giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trong đợt tham vấn tái định cư tại quận 2 vừa qua, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng cho rằng từ thời điểm có nghị quyết 57 (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) của HĐND TP ban hành (tháng 9-2006) đến nay đã phát sinh nhiều hộ tạm cư khác, dù điều này HĐND TP không cho phép.

Sẽ còn giải tỏa hàng ngàn hộ dân

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6 cho biết quận đang triển khai dự án cải tạo kênh Hàng Bàng với khoảng 900 hộ dân phải giải tỏa trắng, dự án thành phần số 4 (thuộc dự án nâng cấp đô thị TP) giải tỏa trắng và giải tỏa một phần khoảng 1.500 hộ.

Ông Trương Văn Giơi, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, nói đã chuẩn bị quỹ nhà khoảng 1.700 căn hộ. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 100 căn hộ từ các dự án khác đã hoàn tất, có thể phục vụ cho các dự án trên. Các dự án tái định cư còn lại sớm nhất đến cuối năm 2010 mới đưa vào sử dụng. Như vậy nhiều hộ dân giải tỏa sẽ phải tạm cư trong thời gian ngắn.

Từ nay đến năm 2010, quận 8 sẽ giải tỏa 2.600 căn nhà trên rạch Ụ Cây (phường 10) và rạch Xóm Củi. Ông Nguyễn Hồ Hải, phó chủ tịch UBND quận 8, cho biết quận sẽ giải tỏa và bố trí tái định cư cho người dân có nhà ven kênh rạch theo phương thức cuốn chiếu.

Quận đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho dân với gần 2.500 căn hộ. Sau đó lấy đất của khu vực giải tỏa xây nhà tái định cư để bố trí cho người dân ở các khu vực giải tỏa sau. Cứ như vậy, người bị giải tỏa ở quận 8 sẽ được mua trả góp hoặc thuê mua nhà ngay sau khi di dời và không có tình trạng tạm cư.

Quận Bình Thạnh cũng cần 3.000 căn nhà tái định cư cho “chiến dịch” giải tỏa nhà ven kênh rạch và chỉnh trang các khu lụp xụp trên toàn quận. Nhưng theo UBND quận, hiện chưa có dự án nhà ở tái định cư nào được khởi công.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ