Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và gói kích cầu 18.000 tỷ đồng của thành phố vẫn đang “chờ” doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, chính sách kích cầu, gỡ khó nguồn vốn và đầu ra cho doanh nghiệp đã có và đang mở rộng, nhưng doanh nghiệp lại chưa triệt để nắm được cơ hội này.
Ông nói:
- Toàn bộ gói kích cầu 18.000 tỷ đồng của thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện trong năm nay và năm 2010. Cụ thể, gói kích cầu sẽ tập trung cho các dự án công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; các công trình về cơ sở hạ tầng, giao thông, văn hóa, xã hội; hạ tầng giao thông liên huyện, xã, hệ thống đê điều, thủy lợi; các dự án đầu tư nhà ở xã hội và xóa nhà giột nát, xóa phòng học xuống cấp; và nhóm kích cầu tiêu dùng, tổ chức những đợt khuyến mại, giảm giá…
Cơ hội lớn của doanh nghiệp
* Qua phân bổ gói kích cầu 18.000 tỷ đồng của thành phố sao không thấy nguồn hỗ trợ, kích cầu trực tiếp cho doanh nghiệp, thưa ông?
Hỗ trợ doanh nghiệp trước hết là việc lồng ghép giữa những giải pháp của Chính phủ với những chính sách của địa phương, như tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, tăng cường kinh phí xúc tiến, tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường…
Trong gói 18.000 tỷ, kinh phí khuyến công, khuyến nông cũng được đầu tư nhiều hơn, điều đó sẽ tác động trở lại với doanh nghiệp.
Gói kích cầu ở đây không hỗ trợ trực tiếp, mà tạo ra cái cầu trong xã hội, chính doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, vì nhu cầu đầu tư tăng lên, nhu cầu vật tư, vật liệu tăng lên.
Thực tế, khi chúng tôi qua khảo sát ở một số công ty, họ cho biết đầu ra sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã thuận lợi hơn. Ví dụ như ở các công ty sản xuất dây cáp điện, vật liệu điện, doanh thu vẫn ổn định, quý một tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty Điện cơ Thống nhất cũng tăng 30 % so với cùng kỳ; hay Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trên 5000 lao động vẫn có việc làm bình thường…
* Còn việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đến nay đã có kết quả như thế nào?
Nhìn từ thành phố Hà Nội thì những biện pháp của Chính phủ hiện nay theo tôi đang đi vào cuộc sống. Trên địa bàn, bốn tháng qua, từ nguồn hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ, các doanh nghiệp đã vay được 30 nghìn tỷ đồng.
Nhưng với khoảng 45.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, con số 30 nghìn tỷ chưa phải là lớn. Trong khi các ngân hàng ở Hà Nội đã bố trí khoảng 100 nghìn tỷ để cho vay. Như thế, nguồn vốn ưu đãi vẫn có sẵn nhưng vẫn đang “chờ” doanh nghiệp.
* Điều đó vì các doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, thưa ông?
Trước đây, cho vay theo kiểu đầu tư thì tỷ lệ thấp hơn, còn vay, sử dụng vốn ngắn hạn, lưu động, mua nguyên vật liệu thì dễ tiếp cận hơn.
Khó khăn lớn nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng đòi hỏi phải thế chấp, bảo lãnh. Nhưng bây giờ, với khó khăn suy giảm, Chính phủ có Quyết định 14, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư trong vòng hai năm, vì thế các doanh nghiệp vay vốn đầu tư sẽ có cơ hội rất lớn để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Hiện việc cần làm là tăng cường tuyên truyền, giới thiệu chính sách để doanh nghiệp được biết, vì các doanh nghiệp ở nhiều làng nghề cũng cần vốn nhưng lại không biết về thông tin này.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng cần làm tốt hơn trong việc hướng dẫn, đơn giản, công khai các thủ tục để doanh nghiệp cần biết, tiếp cận được với nguồn vốn.
Còn về phía doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải đổi mới về quản lý, sổ sách kế toán, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch. Chứ sổ sách kế toán như sổ chợ thì rất khó để ngân hàng cho vay. Trong khâu này, vai trò của các hiệp hội cần phát huy, phổ biến cho doanh nghiệp hội viên cách tiếp cận được vốn.
Tuy nhiên, khi vay vốn đầu tư, doanh nghiệp phải tính toán từ khảo sát nhu cầu thị trường, đến các phương án đầu tư, công nghệ, sản xuất nên không thể một sớm một chiều mà đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Vì thế, tôi kiến nghị cần phải kéo dài thời gian cho vay, kéo dài đến năm 2011, năm 2012, vì khởi động một dự án không phải đơn giản.
Chưa vội kích cầu đầu tư vào bất động sản
* Có thể thấy trong gói kích cầu 18.000 tỷ đồng của Hà Nội tập trung khá nhiều về đầu tư xây dựng, để đồng thời tạo đầu ra cho các nguyên vật liệu. Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng mới đây về tạm dừng phát triển các khu đô thị mới, theo ông, liệu quyết định này có làm giảm đến kích cầu chung của thành phố?
Việc chỉ đạo tạm dừng các khu đô thị mới của Thủ tướng chỉ là dừng cấp phép mới, mới bắt đầu đầu tư. Còn những đô thị đã và đang làm thì vẫn làm bình thường. Đó là những dự án đã được cho phép, đầy đủ thủ tục, triển khai đúng tiến độ, và sẽ đưa ra thị trường một số lượng sản phẩm lớn.
Việc Thủ tướng chỉ đạo, tạm dừng khu đô thị mới là cần thiết, và không có nghĩa là dừng hẳn, dừng lâu dài. Tùy điều kiện, kinh tế của đất nước, thị trường, Chính phủ có điều chỉnh linh hoạt.
Theo tôi, có thể cuối năm nay, tình hình kinh tế khả quan, thị trường bất động sản khởi khắc, các dự án đô thị có thể tiếp tục trở lại.
* Nhưng một số doanh nghiệp đã có đầu tư, tìm được đất, chuẩn bị khởi công mà bị thiệt hại, thì liệu thành phố có cơ chế giúp họ không?
Khi một chính sách ra đời, có tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế vi mô phát triển, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng đến một số ít các doanh nghiệp nào đó, chuyện rủi ro là không thể tránh.
Theo tôi, bây giờ kích cầu đầu tư vào bất động sản thì chưa vội. Vì khối lượng vốn đầu tư vào khu vực này vẫn đang bị ứ đọng. Cần kích cầu đầu tư hướng vào các công trình hạ tầng kỹ thuật là cơ sở, bệ phóng phát triển kinh tế đất nước sau này, như vào giao thông, cao tốc, hạ tầng giáo dục, y tế… đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa cho mục tiêu dài hạn, vừa góp phần giải quyết khó khăn hiện nay và vừa tạo cho kinh tế phát triển.
Hiện thành phố Hà Nội mới đang thực hiện theo chủ trương của Chính phủ rà soát lại các dự án, tổ rà soát đang rất tích cực. Những dự án phù hợp với quy hoạch vùng thủ đô, phù hợp với đầu bài định hướng quy hoạch Hà Nội, thành phố sẽ báo cáo thủ tướng xem xét tiếp tục.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy