Trước thực trạng Hà Nội còn quá nhiều dự án (DA) "treo", một trong những vấn đề "nóng" đang được dư luận quan tâm là làm sao thu hồi các DA sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai hoặc không đủ năng lực thực hiện DA.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có quyết định xử lý, thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn.
4.000 ha đất “treo”
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, trên địa bàn hiện có 381 dự án chậm triển khai với tổng diện tích đất hơn 4.000ha, chiếm 12,55% trong tổng số 3.400 dự án được giao và cho thuê đất từ năm 2001- 2008. Trong số này, có 205 dự án vốn ngân sách và 176 dự án vốn ngoài ngân sách.
Qua rà soát, các cơ quan chức năng Thành phố phân loại, có 294 dự án với tổng diện tích gần 3.500ha chậm giải phóng mặt bằng, cần làm rõ nguyên nhân; 48 dự án có tổng diện tích 131,5ha không sử dụng đất 12 tháng liền kể từ khi bàn giao trên thực địa; 39 dự án có tổng diện tích trên 425ha chậm tiến độ quá 24 tháng; 26 dự án với tổng diện tích 7,32ha bị chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích và 98 dự án tổng diện tích 3.186ha chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư chậm triển khai dự án do chính sách về đất đai có thay đổi, bổ sung làm phát sinh khó khăn, vướng mắc khi xử lý giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời kỳ (nhất là các dự án qui mô lớn, thời gian thực hiện dài)... khiến dân thắc mắc, khiếu kiện; chủ đầu tư thiếu vốn, chưa nỗ lực, có tâm lý chờ thị trường bất động sản đỡ “trầm lắng” mới triển khai…
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính là chủ đầu tư là doanh nghiệp nhỏ, năng lực yếu nhưng lại được giao dự án qui mô lớn. Một số khác đủ điều kiện khởi công nhưng lại xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất… để nâng cao hiệu quả đầu tư - cũng khiến dự án "treo" thời gian dài.
Trong chỉ đạo mới đây nhất, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra cụ thể các trường hợp vi phạm và phân loại, để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất, trước hết là các vụ việc điển hình, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Đối với những trường hợp cho thuê, cho mượn đất hoặc để đất hoang hóa không sử dụng và các trường hợp vi phạm khác gây nhiều bức xúc trong dư luận, phải cương quyết thu hồi, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.
“Kiên quyết xử lý các dự án mà sai phạm đã rõ ràng” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định và cho biết đã giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay các thủ tục, quyết định thu hồi đất. Riêng với các dự án không có thông tin về chủ đầu tư,Thành phố sẽ thông báo rộng rãi về thời hạn cuối cùng, sau đó thu hồi theo quy định của pháp luật.
Khó nhưng phải làm .
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, ở nơi nào chính quyền địa phương tích cực đôn đốc thì nơi đó các DN đầu tư nhanh. Ông Nghĩa cho biết, để "cắt" được DA "treo", TP cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp.
Cụ thể, đối với các dự án vướng quy hoạch hoặc chậm do khiếu kiện về chính sách bồi thường, Thành phố sẽ xem xét cho điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành vào cuộc gỡ vướng về cơ chế.
Đối với các dự án chậm do khách quan và được phép tiếp tục triển khai, theo Quyết định xử lý của Sở Tài nguyên và Môi trường, 264 dự án chậm triển khai do chưa giải phóng mặt bằng hoặc đã đưa đất vào sử dụng nhưng tiến độ bị ảnh hưởng, Sở giao cho Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố có trách nhiệm phải đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thiện công tác mặt bằng trong vòng 1 năm (tính từ 1/2/2010 đến 1/2/2011). Nếu quá thời hạn trên, thành phố sẽ bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.
Những dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong thời gian 12 tháng liền kề được gia hạn thêm 6 tháng. Riêng các dự án đã hoàn thành một số hạng mục, nhưng chậm 24 tháng so với tiến độ được gia hạn thêm 1 năm. Nếu sau thời gian trên, các dự án vẫn chưa đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi.
Đối với các dự án có vi phạm nghiêm trọng hoặc xác định nguyên nhân chậm do trách nhiệm của chủ đầu tư Thành phố sẽ thu hồi ngay. Ông Nghĩa cũng cho biết, quan điểm của Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Các DA đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách, Thành phố sẽ rà soát, xác định các DA trọng điểm, ưu tiên các DA hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tập trung nguồn vốn để thực hiện dứt điểm. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện sẽ quyết định thay chủ đầu tư khác có năng lực để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, việc xử lý các dự án "treo" là công việc khó, nhưng phải làm và phải làm quyết liệt. Ông Vũ Hồng Khanh yêu cầu, các cơ quan liên quan tiếp tục phát hiện, xử lý dứt điểm những vi phạm đất đai ngay từ vi phạm lần đầu, không để sai phạm chồng chéo lên nhau hoặc gây khó khăn phức tạp trong xử lý, dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
"Rất nhiều vi phạm đã không được xử lý sớm, ngày càng nghiêm trọng, khiến cấp quận cũng không thể xử lý nổi phải "đẩy" lên thành phố" - ông Vũ Hồng Khanh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ