Top

Hà Nội: Những đại công trình “bát nháo” giữa lòng phố Cổ

Cập nhật 17/08/2018 09:14

Mặc dù đã có quy định, quy chế của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng, cải tạo trong và ngoài lõi phố, nhưng không hiểu sao nhiều công trình “khủng” ngang nhiên mọc lên như những "cái gai" giữa lòng phố Cổ.

Phố Cổ Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đô thị cổ xưa đặc trưng của vùng đất kinh Kỳ. Trong đó, kiến trúc phố cổ là di sản vật thể có vai trò quan trọng, thể hiện những giá trị văn hóa phi vật thể cổ xưa linh hồn của thủ đô Hà Nội “nghìn năm văn hiến”.

Việc bảo vệ cảnh quan, duy tu những công trình kiến trúc cổ những năm qua được TP Hà Nội quan tâm, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Đáng kể Quyết định số 6398/QĐ – UBND của UBND TP Hà Nội về việc: Ban hành quy chế quản lý quy hoạch – Kiến trúc khu phố Cổ Hà Nội. Quyết định này cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sử cấp Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Khu phố Cổ Hà Nội.

Quyết định chia các phố làm 2 khu vực, khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp A1(gồm 21 phố, và 17 ô phố) và A2 (66 ô phố còn lại). Đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, việc cải tạo, xây dựng ngoài và trong lõi phố theo hướng bảo tồn không gian, cảnh quan, không xây dựng công trình nhà ở mới.

Thế nhưng, hiện nay trong Khu phố Cổ xuất hiện nhiều công trình “khủng” cao ngất nguởng, kiến trúc hiện đại, màu sáng nổi bật phá vỡ cấu trúc không gian cổ kính của phố Cổ, đi ngược lại với chủ trương của UBND TP Hà Nội.

Công trình khủng số 33, phố Đường Thành nằm trong lõi phố có màu sơn trắng nổi bật, gương tối màu, khung nhôm cửa kính lan can bằng sắt.

Theo khảo sát của PV, công trình “khủng” cao gần sấp xỉ 10 tầng, nằm ở số 33, phố Đường Thành (địa phận phường Cửa Đông). Được biết đại công trình bắt đầu được xây dựng từ năm 2017, đến nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Theo tìm hiểu, công trình này nằm trong lõi ô phố thuộc diện cải tạo, phục dựng kiến trúc không gian phố Cổ (cấp A2). Không chỉ có dấu hiệu xây dựng vượt tầng (lớp phía sau tối đa 4 tầng, 16m)  công trình có màu sơn trắng nổi bật phá vỡ cảnh quan cổ kính của khu phố Cổ.  Điều đáng ngạc nhiên hơn công trình này sát UBND phường Cửa Đông và cách UBND quận Hoàn Kiếm khoảng 700m.

Công trình số 221 Hàng Bông

Tương tự, công trình nhà ở kết hợp với văn phòng số 221 phố  Hàng Bông, phường Hàng Bông cũng có độ cao và quy mô “khủng”. Theo tìm hiểu, chủ đầu tư công trình này là ông Đặng Xuân M., khởi công từ ngày 26/8/2017, do Công ty CP xây dựng và thi công nền móng Thành Đại Lộc thi công.


Công trình nhà ở kết hợp văn phòng nằm ngay mặt phố số 30 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống đang tiếp tục được thi công.


Khách sạn cao cấp nằm 120 - 130 Hàng Bông có độ cao, sử dụng hồng nhạt, ô cửa nhôm kính màu trắng.


Công trình nhà ở kết hợp văn phòng số 86 Hàng Gai,phường Hàng Gai, do ông Trần Quốc H làm chủ đầu tư.


Khách sạn số 94 Hàng Trống cũng có độ cao vượt ngưỡng, ngổn ngang vật liệu xây dựng trên vỉa hè.

DiaOcOnline.vn - Theo Công Lý Xã Hội