"Nếu chúng ta phá đê cũ, đắp đê mới, thu hẹp khoảng cách giữa đôi bờ sông Hồng chỉ còn 1,5 km thì đáng tiếc vô cùng, nếu chưa nói là sai lầm, bởi vì từ một không gian thoáng đãng, sẽ trở thành một không gian tù túng". Bên cạnh nhiều ý kiến bàn luận về hướng dự án quy hoạch xây dựng Hà Nội, một độc giả gửi tới toà soạn góc nhìn khác. Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, xin được giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Ngày 02 - 8 - 2007 vừa qua, Thủ Tướng chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/ 2007/ NĐ - CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều. Tại hai khoản: 7, 10; điều 6 Nghị định nêu rõ chế tài xử lý việc đổ chất thải ở bãi sông, cũng như các hành vi gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
Song thật trớ trêu, với lý do chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và mục đích phát triển đô thị “bền vững”; Hà Nội đang “hồ hởi” lập dự án quy hoạch xây dựng thành phố vào cả phạm vi hai bên bãi sông Hồng hiện tại.
Với tổng diện tích chiếm đất bãi - trên 10 500 Ha, thuộc địa bàn 5 quận, 4 huyện. Dự án sẽ phá đê cũ, đắp đê mới - thu hẹp hai bên bãi sông Hồng (để lấy đất quy hoạch xây dựng mở rộng thành phố), từ khoảng cách giữa đôi bờ sông chỗ rộng nhất 3,5 km, xuống còn 1,5 km mà vẫn bảo đảm dòng chảy.
Với thuyết minh được đưa ra là: đã có những dự án trị thuỷ sông Hồng và tính tới tần xuất lũ lịch sử 125 năm, thậm chí đến 500 năm…
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xin lưu ý các nhà quy hoạch về chiều dài Sông Hồng là 1149 km, trong đó đoạn hạ lưu sông chảy qua Việt Nam chỉ có 500 km, còn lại 649 km thượng lưu sông, thuộc Trung Quốc.
Liệu nước ta có hoàn toàn chủ động trị thuỷ, để tiến hành xây dựng thành phố Hà Nội mở rộng, trong phạm vi bãi sông Hồng hiện tại được không? Bởi dòng sông Cái (tên gọi khác của sông Hồng) rất cần có hai bãi sông rộng, có thể ví như hai “miếng vàng” phù sa và hai bờ đê cao, để có lưu vực lớn, đủ thoát được lưu lượng lũ lịch sử.
Mặt khác, như ở phần trên đã nêu, Hà Nội có khoảng cách giữa đôi bờ sông Hồng chỗ rộng nhất tới 3,5 km, thì thật lý tưởng về không gian, môi trường thoáng đãng, trong lành, hiếm Thủ đô nước nào có được.
Nếu chúng ta phá đê cũ, đắp đê mới, thu hẹp khoảng cách giữa đôi bờ sông Hồng chỉ còn 1,5 km thì đáng tiếc vô cùng, nếu chưa nói là sai lầm, bởi vì từ một không gian thoáng đãng, sẽ trở thành một không gian tù túng.
Đâu còn hai bãi sông mênh mông - hai “miếng vàng” phù sa của Hà Nội nữa. Chả lẽ sau năm 1954, không còn Pháp thuộc, Hà Nội phải di chuyển cả “làng bãi giữa” vào bên trong đê sông Hồng để tránh lũ lụt. Mà bây giờ, mới thập niên đầu thế kỷ XXI, Thủ đô ta đã hiếm đất đến mức phải quy hoạch xây dựng thành phố ra bãi sông sao?
Theo xu hướng một số nước, quy hoạch xây dựng Thủ đô, sông chảy ở giữa như: Paris có sông Sein, với 33 chiếc cầu bắc qua (không gian sông Sein hẹp hơn nhiều so với sông Hồng, đoạn qua Hà Nội); Seoul (Thủ đô Hàn Quốc) có sông Hàn, với 19 chiếc cầu bắc qua và Bangkok (Thủ đô Thái Lan) có sông Chao Phraya, với 09 chiếc cầu bắc qua.
Hà Nội - Thủ đô của nước ta cũng đang quy hoạch xây dựng từ thành phố “trong sông”, trở thành thành phố “sông trong”, có sông Hồng chảy ở giữa. Nghĩa là quy hoạch, xây dựng Hà Nội cả ở hai bên sông Hồng.
Nhưng theo chúng tôi, chỉ nên quy hoạch, xây dựng thành phố Hà Nội ở bên trong đê hiện tại. Không nên quy hoạch xây dựng ở ngoài đê (thuộc bãi sông Hồng). Hay nói cách khác: không nên thu hẹp bãi sông Hồng, để có thể bảo đảm lâu dài lưu vực, dòng chảy thoát được lưu lượng lũ lịch sử và bảo vệ, giữ gìn không gian, mặt thoáng, môi trường trong lành rất hiếm hoi vốn có của Thủ đô ta.